Ông T. không dám đi đâu xa vì ban ngày ông cũng đi tiểu nhiều lần. Chứng tiểu nhiều đã gây phiền hà cho cuộc sống của ông. Ông T. đi khám bệnh với nhiều nỗi lo âu.
Tiểu nhiều có thể là về thể tích (đa niệu, tiểu trên 2,5 lít trong 24 giờ) hoặc về số lần đi tiểu (tiểu thường xuyên). Người bình thường có thể đi tiểu 4 - 8 lần mỗi ngày. Nếu đi tiểu trên tám lần một ngày hoặc phải thức giấc để đi tiểu hơn một lần trong đêm thì được xem là tiểu nhiều.
Mặc dù bàng quang có thể giữ được 600ml nước tiểu, nhưng cảm giác muốn tiểu xảy ra khi có khoảng 150ml nước tiểu trong bàng quang.
Nguyên nhân
• Nhiễm trùng tiểu. Lớp niêm mạc lót niệu đạo và bàng quang bị viêm và nhiễm trùng gây kích thích bàng quang.
• Đái tháo đường. Dấu hiệu sớm của đái tháo đường type 1 và type 2 là đi tiểu nhiều. Triệu chứng này cũng xảy ra khi bệnh đái tháo đường đã biến chứng trên thần kinh kiểm soát bàng quang.
• Dùng thuốc lợi tiểu. Các thuốc lợi tiểu dùng để chữa bệnh tăng huyết áp và bệnh phù thũng do suy tim, suy thận và xơ gan cũng là nguyên nhân gây ra tiểu nhiều.
• Bệnh lý tiền liệt tuyến. Tuyến tiền liệt to ra (u xơ, ung thư) gây ức chế dòng nước tiểu và kích thích bàng quang.
• Có thai. Các nội tiết tố do nhau thai tiết ra và do tử cung to ép lên bàng quang gây tiểu nhiều. Chấn thương do sinh nở gây tổn thương niệu đạo cũng là nguyên nhân.
• Viêm bàng quang mô kẽ.
• Đột quỵ và bệnh thần kinh. Tổn thương thần kinh chi phối bàng quang có thể dẫn đến rối loạn chức năng bàng quang, gây tiểu nhiều và tiểu đột ngột.
• Ung thư bàng quang. Khối u phát triển gây chèn ép hoặc gây chảy máu bàng quang dẫn đến đi tiểu thường hơn.
• Hội chứng bàng quang kích thích. Bàng quang bị co thắt dẫn đến tiểu nhiều, tiểu gấp dù bàng quang không đầy
• Uống nhiều nước, hơn nhu cầu của cơ thể.
• Chất ngọt nhân tạo, cà phê, rượu bia và thực phẩm. Rượu và cà phê có tác dụng lợi tiểu. Nước chứa chất ngọt, đường nhân tạo, và chất citrus trong trái cây có tác dụng kích thích bàng quang gây tiểu thường hơn.
Những yếu tố giúp định bệnh
Các triệu chứng đi kèm dưới đây có thể giúp bác sĩ xác định bệnh:
• Tiểu ngắt quãng: tiểu không hết nước tiểu trong bàng quang mỗi lần đi tiểu. Dòng nước tiểu ngưng đột ngột.
• Tiểu gấp: cảm giác khó chịu như ép trên bàng quang làm người bệnh muốn đi tiểu ngay.
• Tiểu không tự chủ: mất kiểm soát dòng nước tiểu, nước tiểu bị rò rỉ liên tục hoặc từng lúc.
• Rối loạn đi tiểu: cảm giác đau hoặc nóng bừng trong hoặc sau khi tiểu.
• Tiểu máu: có thể rất ít máu (tiểu máu vi thể), hoặc nhiều máu, có máu cục (tiểu máu đại thể).
• Tiểu đêm, có thể đi kèm tiểu không tự chủ (tiểu dầm).
• Chảy nhỏ giọt: sau khi tiểu xong, nước tiểu tiếp tục nhỏ giọt hoặc chảy ra ngoài.
• Cảm giác căng nặng khi bắt đầu tiểu.
Chế độ ăn thích hợp
Điều quan trọng nhất là xác định, điều trị sớm và đúng nguyên nhân. Bên cạnh đó là chế độ ăn đúng cách.
Tránh các thức ăn có tính kích thích bàng quang hoặc có tác dụng như thuốc lợi tiểu, bao gồm cà phê, rượu, nước ngọt, đường nhân tạo, sôcôla, cà chua, gia vị. Ăn nhiều chất xơ, vì táo bón sẽ làm nặng hơn các triệu chứng của hội chứng bàng quang kích thích.
Theo dõi lượng nước uống trong ngày. Uống đủ nước để phòng ngừa táo bón và nước tiểu quá đậm đặc. Nên chia lượng nước uống nhiều ban ngày và ít dần về chiều tối để tránh bị tiểu đêm.
Để việc chẩn đoán được dễ dàng, chính xác, người đi khám cần chuẩn bị trả lời các câu hỏi sau đây:
• Tiểu bao nhiêu lần trong ngày và ban đêm?
• Nước tiểu có màu gì?
• Có cảm giác khó chịu, nóng hoặc đau khi tiểu?
• Gần đây có thay đổi chế độ ăn?
• Có các triệu chứng khác (khát nhiều, sụt cân, sốt, đau lưng)?
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hải
Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương
Theo Tuổi Trẻ