Hoá Chất và Dược Phẩm Trung Quốc: Nỗi lo chung

Trung Quốc (TQ) đang trên đà phát triển vượt bực nhất là trong những năm gần đây. Hiện tại, TQ là quốc gia thứ hai chỉ đứng sau Hoa Kỳ về thành phẩm sản xuất cho nhu cầu của con người trên thế giới. Hàng hoá TQ tràn ngập khắp nơi. Nhưng chỉ trong vòng ba năm trở lại đây, kỹ nghệ hoá chất và dược phẩm TQ đã có những bước tiến nhảy vọt, từ đó nảy sinh ra một số lo ngại về phẩm chất (quality), vì quốc gia nầy thể hiện nhiều cung cách "làm ăn" đôi khi vượt qua tiêu chuẩn cho phép của các định chế quốc tế áp dụng cho ngành hóa chất, sinh hoá, và dược phẩm và chi lo chú trọng vào lượng (quantity) mà thôi.

Nếu chúng ta đến Thượng Hải cách đây khoảng bốn năm, thành phố nầy chỉ có một số nhỏ phòng thí nghiệm nghiêm cứu, cơ sở sản xuất dược phẩm của một vài công ty ngoại quốc. Nhưng hiện tại, Thượng Hải trở thành một trung tâm nghiên cứu và sản xuất có thể nói đứng vào những hàng đầu trên thế giới. Và còn nữa, Bắc Kinh, Suzhou, và một số thành phố lớn cũng phát triển không ngừng công kỹ nghệ nầy. Có thể nói hiện tại, TQ đang đi dần đến sự sản xuất hàng loạt dược phẩm tiêu dùng cho thế giới.

Chúng ta cũng thừa biết là qua lịch sử, TQ không có tâm lý dùng hoá chất để trị bịnh mà có thói quen chỉ dùng dược thảo để trị liệu. Tuy nhiên, chỉ trong vài năm trở lại đây, rất nhiều công ty nghiên cứu hoá chất và dược phẩm ngoại quốc đầu tư ồ ạt vào đất nước nầy nhất là những công ty Hoa Kỳ và Nhật Bản. Điển hình là công ty BioDuro (California) ước tính giảm thiểu được 1 tỷ Mỹ kim về chi phí sản xuất dược phẩm ở TQ cho thị trường Hoa Kỳ. Do đó ngành sinh-công nghệ (biotechnology) hiện đang phát triển rất nhanh ở nơi đây.

Bài viết nầy có mục đích mô tả công nghệ dược phẩm và sự phát triển trong việc trị liệu cùng những hệ luỵ của sự phát triển quá nhanh của quốc gia nầy.

Ngành dược phẩm Trung Quốc

Lịch sử ngành dược khoa TQ khởi đầu bằng hàng trăm hàng ngàn cây cỏ đủ loại để từ đó pha trộn với cây cỏ khác, hoá chất vô cơ trong thiên nhiên, thậm chí trộn lẫn xác khô của một số động vật để làm dược phẩm. Từ đó khai mở ra ngành y khoa cổ điển TQ.

Ngành dược phẩm TQ bao gồm những hoạt động như sau: 1- Điều chế và tiêu chuẩn hoá các dược phẩm, 2- Tổng hợp hoá chất hay trồng dược thảo để chế tạo ra dược phẩm, 3- Phân tích các dược liệu áp dụng trong việc chữa trị, 4- Phụ trách việc phân phối. Do đó, ngành dược khoa TQ chia ra hai hướng chính, y khoa cổ truyền chuyên dùng dược thảo và y khoa hiện đại. Bịnh viện TQ cũng cung cấp hai phương cách trị liệu trên.

Trên toàn quốc, hiện có khoảng 50 đại học dược khoa trong đó mỗi ngành chiếm độ phân nữa. Thời gian học là 4 năm với khả năng có thêm vài năm chuyên môn hóa. Đa số sinh viên tốt nghiệp làm trong các dược phòng, hay lớn hơn nữa trong các bịnh việc dược khoa.

Kể từ khi có cuộc cải cách kinh tế vào thập niện 1980 ở TQ, ngành dược TQ đã phát triển không ngừng và chuyển hướng qua sự xâm nhập của ngành dược hiện đại cùng nhiều phương cách trị liệu hữu hiệu hơn cho một số bịnh. Từ đó, người dược sĩ lần làn có khuynh hướng về nghiên cứu dược phẩm nhiều hơn thay vì làm những việc hàng ngày trong việc pha chế cho đúng cân lượng theo toa bác sĩ nữa.

Trong nghiên cứu, sự tổng hợp và tinh chế hoá (purification) , cô lập hoá (isolation) các hoá chất hữu cơ dùng trong việc sản xuất dược phẩm được chú trọng đến nhiều hơn. Sau đó, đi sâu hơn nữa trong việc ổn định (stabilization) hoá chất, phương pháp thử nghiêm, và sau cùng tiêu chuẩn hoá hoá chất (standardization) . Một trong những ngành nghiên cứu mới nữa là nghiên cứu tính chấp nhận (tạm dịch từ danh từ "availability" ) của cơ thể dưới nhiều dạng khác nhau của dược liệu; đề từ đó quyết định cân lượng của dược liệu áp dụng cho cơ thể. Ngành tổng hợp protein và sản xuất vitamin hiện nay của TQ cũng là một thách thức lớn cho thế giới.

Ở Trung Quốc, từ năm 1907, Hội Dược khoa TQ (Chinese Pharmaceutical Association- CPA) là một hiệp hội lớn nhất cho ngành nầy quy tụ trên 3.000 cá nhân và nhóm nghiên cứu. Qua các nhóm nghiên cứu có thể kể thêm trên 105.000 thành viên.

TQ cũng có nhiều đại công ty phân phối dược phẩm trên toàn quốc, như công ty Sanjiu Enterprise Group có đến gần 10.000 địa điểm, với doanh số 157 triệu Mỹ kim; công ty China Nepstar với 5.000 địa điểm đạt doanh số 124 triệu.

Mức tăng trưởng hàng năm cho ngành nầy vào khoảng 16,7% trong vòng ba năm trở lại đây. Chính nhờ việc gia nhập vào WTO từ năm 2001, TQ mới chính thức mở cử cho những nhà đầu tư ngoại quốc vào cũng như thu hút thêm nhiều khoa học gia, nghiên cứu gia tiếp cận thị trường dược phẩm, trong đó có thể nói có mức tiêu thụ lớn nhất thế giới.

Đứng về phương diện chính quyền, Cơ quan Quốc gia về Thực phẩm và Dược phẩm (SFDA) quản trị và kiểm soát hoàn toàn ngành dược của TQ. Trước năm 1999, chính phủ TQ ngăn cấm việc sản xuất dược phẩm do tư nhân hay ký hợp dồng với công ty ngoại quốc. Mãi đến tháng 10, 1999, SFDA mới điều chỉnh luật trên và thiết lập bộ luật vê dược phẩm vào năm 2001, ngay sau khi gia nhập vào WTO. Từ đó ngành nầy mới phát triển nhan chóng phi mã. Tính đến nay, TQ đã đầu tư gần 19 tỷ Mỹ kim cho việc xây dựng và nâng cấp các cơ sở nghiên cứu và sản xuất. Mức thu nhập ròng trong năm 1999 cho kỹ nghệ nầy là 24 tỷ Mỹ kim, và năm 2004 là 56 tỷ.

Một loại dược phẩm khác, nói đúng hơn là các loại vitamin chúng ta thường dùng hiện đang là một đề tài lớn cho TQ. Gần như là, mỗi lần chúng ta ngậm một viên Vitamin C chẳng hạn, đa phần nơi sản xuất là TQ. Trong vòng chưa đầy một thập niên, TQ cung cấp 90% thị trường Vit C ở Hoa Kỳ. Kỹ nghệ Vitamin của TQ gồm trên 5.000 công ty sản xuất với 2 triệu dịch vụ thương mài đạt 2,5 tỷ Mỹ kim thương vụ trên thế giới năm 2006. Dĩ nhiên, với một mức phát triển và sản xuất như trên, tệ nạn kém phẩm chất, chai lọ không xuất xứ, thiếu bảng phân tích hoá chất và sử dụng xảy ra nhiều hơn.

Một sản phẩm không kém quan trọng nữa ở TQ là thuốc làm giảm cân đã được quảng cáo và bày bán khắp thế giới. Người tiêu thụ không thể nào phân biệt được thuốc thật hay thuốc giả cùng sản xuất từ TQ và đã có nhiều vụ kiện tập thể (class action) về các loại thuốc nầy ở Hoa Kỳ.

Hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều nhập cảng thuốc trụ sinh hoặc kháng sinh, diếu tố (enzymes), và nhiều loại amono acid dưới dạng nguyên thuỷ (primary). TQ sản xuất 70% penicillin, 50% aspirin, 35% acetaminophen (Tylenol là tên thương hiệu của hoá chất nầy) cung cấp cho nhân loại toàn cầu.

Kiểm phẩm hoá chất và dược phẩm Trung Quốc

Trong vòng hai năm trở lại đây, TQ đã làm cho quốc tế e ngại về tính an toàn của sản phẩm sản xuất từ nước nầy. Qua quá nhiều "sự cố" trong quá khứ về mức an toàn của thực phẩm và dược phẩm TQ xảy ra hầu như thường xuyên hơn, từ vụ thức ăn gia súc TQ bị nhiễm độc vào 4/2007, kem đánh răng có chứa dimethylglycol sau đó, và gần đây nhất thức ăn "há cảo" (2008) TQ sản xuất qua Nhật Bản chứa nhiều dư lượng hoá chất bảo vệ thực vật v. v... vấn đề an toàn sản phẩm đã được thế giới nêu lên ngày càng gay gắt hơn. (xin xem bài viết "Hội chứng Trung Quốc" của cùng tác giả trên www.vastvietnam. org).

Mặc dù hiện tại chính quyền TQ đang đặt trọng tâm nhiều hơn về việc kiểm soát an toàn sản phẩm để có thể đạt được tiêu chuẩn quốc tế, nhưng trên thực tế, vấn đề càng trở nên phức tạp hơn qua nhiều yếu tố:

1- ý thức về an toàn phẩm chất và an toàn vệ sinh chưa được đánh giá đúng mức cả về phía người sản xuất lẫn tiêu thụ,

2- tâm lý chạy theo lợi nhuận, quên đi các yếu tố an toàn vệ sinh và tiêu chuẩn cần có của sản phẩm của những nhà sản xuất,

3- và quan trọng hơn cả là não trạng của nhà cầm quyền hầu như "nhắm mắt" để cho những tệ trạng trên xảy ra.

Có thể nói, cứu cánh duy nhất của nhà cầm quyền TQ hiện nay là tạo ra của cải vật chất dưới bất cứ giá nào, và nạn nhân nếu có, dù là người dân trong nước hay người nước ngoài cũng không thể làm suy suyển não trạng trên. Đây mới chính thực là nỗi lo chung của nhân loại ngày hôm nay.

Chúng ta còn nhớ cách đây hai năm, TQ đã tử hình Giám đốc Cơ quan Quốc gia Thực phẩm và Dược phẩm qua vụ hối lộ 832.000 Mỹ kim của các nhà sản xuất để xuất cảng một số hoá chất và dược phẩm không an tòan ra thị trường ngoại quốc. Việc nầy có mục đích duy nhất là làm xoa dịu mức phản đối của thế giới hơn là giải quyết một cách rốt ráo các tệ trạng trong sản xuất của TQ, vì các "xì căn đan" vẫn tiếp tục diễn ra với nhịp độ cao hơn và tinh vi hơn.

Kỹ nghệ thực phẩm và dược phẩm của TQ dưới mắt của những nhà quan sát quốc tế như Peter Kovacs, Cố vấn thực phẩm ở Nevada đã được phân chia thành 3 thành phần: 1- thành phần có sự tham dự và cố vấn cùng đầu tư ngoại quốc thì đạt được tiêu chuẩn quốc tế là Good Laboratory Practice (GLP); 2- còn lại thành phần sản xuất thứ hai và thứ ba hoặc không dựa theo tiêu chuẩn nào cả, hoặc do móc ngoặc với chính quyền hay thanh tra để tung ra thị trường sản phẩm chẳng những không đạt tiêu chuẩn mà còn có nguy cơ ảnh hưởng lên sức khoẻ của người tiêu dùng nữa.

Thái độ của người tiêu dùng

Như đã nói ở phần trên, chúng ta, người tiêu thụ sản phẩm TQ hiện tại, từ đồ chơi cho trẻ em, đến hầu hết các dụng cụ dùng trong nhà bếp hay dụng cụ trang trí, từ một thức ăn tươi, khô đơn giản đến những thức ăn "cao cấp" như yến, sâm nhung chẳng hạn, từ viên thuốc cảm cúm cho đến các loại thuốc trị liệu nhiều bịnh rất phức tạp...tất cả những sản phẩm trên có thể mang đến nguy cơ bất ngờ và bất cứ lúc nào cũng có thể xày đến cho chúng ta. Mọi đề phòng hầu như bất lực, ngoại trừ chúng ta hoàn toàn tẩy chay không sử dụng sản phẩm có mang nhản hiệu "made in China", nhưng điều đó không thể xảy ra được. Nhưng cũng không hẳn chúng ta hoàn toàn "miễn mhiểm" hội chứng TQ đâu, vì còn biết bao nhiêu hàng nhái, hàng giả không nhản hiệu hay có nhản hiệu dưới một thương hiệu khả kính như Colgate (trong vụ kem đánh răng giả), tất cả đều có xuất xứ từ Trung Quốc!

Thế giới đã biết và biết rất rõ não trạng cùng cung cách làm ăn của TQ. Thế mà vẫn chấp thuận cho quốc gia nầy gia nhập vào WTO từ năm 2001 mặc dù TQ không hội đủ tiêu chuẩn về nhân quyền, hệ thống kinh tế còn khép kín dưới hình thức quốc doanh, chưa có sự trong sáng trong nhiều quyền căn bản của người dân theo tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc. Điều sau cùng dưới đây đã chấp cánh thêm cho TQ, có thể ngang nhiên vi phạm những điều đã hứa và phê chuẩn khi gia nhập, mà đã thế thì chớ, họ còn ngang nhiên an nhiên tự tại hơn nữa nhờ chiếc ghế đặc quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Trong một phát biểu mới nhất ngày 21/2/2008, Bà Đường Vân Hoa thuộc Văn phòng An toàn Thực phẩm Bắc kinh nói rằng:"TQ tuyên bố với công đồng quốc tế rằng thức ăn tại Olympic Bắc Kinh sẽ an toàn và các đội tuyển không cần phải tự đưa thức ăn tới TQ". Tuy công bố như trên, nhưng Uỷ ban Thế vận Hoa Kỳ cũng sẽ cho chở sang TQ 15.000 Kg thịt bò, gà, heo cho vận động viên của mình.

Hiện tại công cuộc vận động và quảng bá Thế vận Hội vào tháng 8 sắp tới đây của TQ đang diễn ra quyết liệt để gây thêm uy tín của nước nầy trước thế giới.

Nhưng ngày 14/2/2008, nhà đạo diễn đã từng đoạt giải Oscar Steven Spielberg tuyên bố từ chức vụ Cố vấn quảng cáo cho Thế vận Bắc Kinh. Tin tức nầy công thêm hàng loạt những sự kiện bất lợi cho TQ trong khoảng thời gian trên như: 1- Nga tố cáo xe Geely của TQ không an toàn ngày 3/2, 2- Ngày 12/2, Hoa Kỳ bắt giữ 4 gián điệp TQ, 3- Ngày 12/2, Liên Hiệp Âu châu đang dự định khởi tố TQ lên WTO, 4- Ngày 13/2, Nhật Bản phát hiện thuốc bảo vệ thực vật trong hắc cảo TQ; 5- Ngày 19/2, Nhật Bản lại phát hiện thuốc trừ sâu trong cá thu đông lạnh chế biến tại TQ.

Tất cả những những sự kiện mới vừa xảy trên có thể cho chúng ta liên tưởng đến thái độ và phản ảnh cung cách ứng xử của thế giới trước những vi phạm về an toàn hoá chất và dược phẩm cùng hàng nhái hàng giả của TQ trong thời gian gần đây chăng?

Kinh nghiệm cho Việt Nam

Hẳn chúng ta còn nhớ, Việt Nam cũng đã trãi qua quá nhiều kinh nghiệm trong quá khứ về vấn nạn hoá chất và dược phẩm TQ rồi. Xin nhắc lại một vài sự kiện "thương đau":

1-Năm 2005, TS Nguyễn Quốc Tuấn đã phân tích và khám phá các loại hoá chất dưới dạng bột bảo quản và tăng trưởng được bày bán tự do ở Hà Nội, sau đó, hoá chất trên tràn ngập Sài Gòn. Đó chính là hoá chất 2,4,5-T, thành phần chính trong chất Da Cam có chứa Dioxin. Khám phá nầy đã làm cho TS Tuấn mất chức Trưởng Phòng Phân tích Môi trường và không biết đã bị thuyên chuyển đi nơi khác hay mất tích?

2-Phẩm màu Sudan TQ đã gây hậu quả không nhỏ qua các vụ nhiễm độc tập thể ở Việt Nam năm 2005;

3-Thức ăn có trộn lẩn hoá chất làm tăng cân và béo phì ở một số trường mẫu giáo cũng đã làm náo loạn dư luận một thời năm 2006;

4-Và những vụ nhiễm độc trong các quán ăn tập thể hay trong căn tin hầu như xảy ra hàng ngày ở khắp nơi do thức ăn bị nhiễm độc, do rau đậu đã được trồng bằng những loại hoá chất "không tên" bày bán đầy rẩy khắp nơi, rất hữu hiệu, bảo đảm tăng một vài cm trong một đêm!

5-Về dược phẩm, qua kinh nghiệm bịnh SARS đã được phát hiện đầu tiên ở Thượng Hải,TQ đã được dấu kín mãi đến khi có người chết ở đây và tràn lây sang Việt Nam, TQ mới chịu cho nhân viên LHQuốc vào điều tra;

6-Biết bao hoá chất bảo quản thực vật, động vật không tên sản xuất từ TQ được bày bán ngang nhiên từ bao năm nay đã được báo chí trong nước kêu gào nhưng Việt Nam vẫn không có một phản ứng nào để ngăn chặn cả, hay nếu có chỉ làm cho có lệ mà thôi. Các hoá chất trên hầu hết là những hoá chất đã bị cấm dùng trong thực phẩm hay sử dụng với một vi lượng nhỏ và hoá chất phải có độ tinh khiết là 99,9999%. Điều nầy TQ đã không làm. Một thí dụ điển hình là trong quá trình điều chế hoá chất bảo quản sodium benzoate, vẫn còn tồn đọng dư lượng phenol, một hoá chất độc hại ảnh hưởng lên thần kinh của trẻ em, làm chậm phát triển; do đó, cần phải tinh chế để loại trừ hoá chất sau cùng nầy. TQ đã không làm, vì vậy giá thành của hoá chất bảo quản trên rất rẻ so với hoá chất nhập cảng từ Tây phương.

7-Rốt ráo hơn nữa, qua nhiều bịnh lạ xảy ra cho trẻ em, hoặc học sinh cấp I ở nhiều nơi từ Bắc chí Nam, ở những vùng nông thôn xa các khu công nghiệp hoá chất đã được một số quan sát viên, bác sĩ và bình luận gia đặt nghi vấn, vì chưa từng xảy ra trong lịch sử y khoa. Và nghi vấn đó có thể là một loại vũ khí sinh học phát xuất từ TQ để thử nghiệm vũ khí giết người hàng loạt?

Tứ những sự kiện đan kể trên đây, chúng ta có thể nhận định và đề cao cảnh giác rằng Trung Quốc không những là mối nguy về chính trị, về việc xâm chiếm lãnh thổ, về kinh tế....mà mối nguy nguy hiễm nhất là mối nguy làm cho người Việt không còn khả năng đề kháng trước đàn anh nước lớn, cũng như trí tuệ của thanh thiều niên trong tương lai sẽ bị huỷ diệt không còn đủ thông minh để phát triển và khai mở Đất và Nước Việt Nam nữa. Điều cảnh báo trên thiết nghĩ sẽ làm động não những người đang quản đất nước hiện tại.

Hy vọng những nhận định trên đây sẽ không xảy ra cho tuổi trẻ tương lai Việt Nam

Mai Thanh Truyết

Rằm Tháng Giêng Mậu Tý- 2008

Bài liên quan

Đại cuơng
Ngộ Ðộc botulism
©2002-2024. Copyright by Sức Khỏe Cộng Đồng. Quản trị nội dung: BSCK2 Phạm Xuân Hậu.
Template by JoomShaper