Thấy làm khăn lạnh là hết muốn lau

TP - Lau mặt, miệng, thậm chí lau giày, lau bàn ghế dính bẩn, những chiếc khăn lạnh dùng một lần sau đó được luộc lại bằng cách ngâm chất tẩy javel hay formol, có khi chỉ bỏ vào máy giặt hoặc khử trùng bằng nước sôi rồi ngâm hương liệu và đóng gói trở lại. Thay vì tiệt trùng và hấp sấy, khăn lạnh được tẩy bẩn trong nồi nước sôi Ảnh: Lê Nguyễn ass=tLegend>Thay vì tiệt trùng và hấp sấy, khăn lạnh được tẩy bẩn trong nồi nước sôi Ảnh: Lê Nguyễn

Công nghệ luộc khăn

Được xem là nơi cung cấp và nhận tút lại khăn lạnh qua sử dụng cho các nhà hàng, quán ăn lớn bé ở các quận trong thành phố, nhưng cơ sở làm khăn lạnh nằm trên Hương lộ 80, Phường Bình Hưng Hòa B, Q. Bình Tân, TPHCM chẳng có dây chuyền sản xuất hay tiệt trùng hiện đại ngoài hàng loạt xô chậu và các thùng hương liệu và chiếc máy giặt để luộc khăn.

Một nhân viên ở đây cho biết, khăn lạnh sau khi mua lại từ các cơ sở dệt thêu và các Cty dệt may làm khăn bị lỗi, chúng được tập kết về và giặt tẩy, sau đó đưa vào máy giặt làm sạch, ngâm với hương liệu rồi đóng gói.

Nhà cung cấp khăn lạnh H. ở đường Tân Phước, Q.11, cho biết, cơ sở làm tám loại khăn lạnh với đầy đủ mùi, mua nhiều được giảm giá và chỉ cần hai tiếng sau khi đặt hàng là có người giao tận nơi. Giá mỗi loại khăn dao động từ 500 đến 1.000 đồng/chiếc.

Sau công đoạn này, tất cả khăn lạnh đều được bỏ mối cho các nhà hàng và quán ăn. Không chỉ sản xuất, khăn lạnh đã qua sử dụng từ các quán ăn, nhà hàng, quán karaoke... cũng được nơi này tiếp nhận và tái sinh bằng cách ngâm với nước tẩy javel hoặc formol, sau đó ngâm lại với các loại hóa chất hương liệu như hương chanh, hương lài... rồi phơi và đóng vào bao nylon.

Theo các nhân viên của cơ sở tái chế khăn này thì mỗi chiếc khăn lạnh làm mới bán cho các nhà hàng giá từ 800 đến 1.000 đồng, trong khi đó, khăn tái chế có giá rẻ hơn từ 500-800 đồng/chiếc. Ngoài ra, nếu nhà hàng và quán ăn có nhu cầu khắc tên địa chỉ của nhà hàng lên bao bì của khăn thì giá chênh lệch chút ít.

khăn lạnh được tẩy bẩn trong nồi nước sôi

Chễm chệ trên lối vào quán ăn Hà Giang trên con hẻm đường Đặng Nguyên Cẩn, Quận 6 là một chiếc nồi to đang nấu hàng trăm chiếc khăn lạnh vấy bẩn đã dùng trước đó.

Bất chấp những cái nhìn tò mò của thực khách, những chiếc khăn này vẫn được nhân viên của quán đáo qua, xới lại trước khi đưa vào rửa lại bằng nước lạnh, ngâm hương thơm để đóng gói tái sử dụng.

Một nhân viên của quán ăn này khẳng định với chúng tôi sau khi khử trùng bằng cách nấu chín, khăn sẽ được ngâm lại bằng nước pha chất formol. Theo người này, ngâm với formol để tránh khăn bị thối và hôi khi để lâu.

Khi chúng tôi sở thị tại một quán lẩu dê nổi tiếng trên đường Ngô Thời Nhiệm, Quận 3, những chiếc khăn sau khi được thực khách sử dụng, được dùng để lau đủ thứ dơ bẩn sau đó nhân viên gom lại và bắt đầu luộc.

Để hồi sinh những chiếc khăn cực bẩn này, nhân viên của quán ăn pha nước lạnh với nước javel tẩy trắng sau đó lần lượt ngâm vào nước tẩy. Khoảng 20 phút sau, khăn được lấy ra giặt lại bằng nước rửa chén để tẩy những vết bám mà nước javel không đánh bật được, sau đó chúng được rửa lại và ngâm với hương liệu được mua ở chợ Kim Biên trước khi đóng vào bao bì.

Coi chừng

Một số quán ăn lớn còn tái sinh khăn bẩn này bằng cách tập kết rồi vận chuyển đến các đại lý làm khăn để khử trùng. Để tạo mùi thơm, các loại khăn lạnh được tẩm hương liệu rồi đóng gói mà không qua công đoạn xử lý triệt khuẩn. Đây cũng là nguyên nhân khiến khăn lạnh được xem là ổ bệnh.
Theo PGS- TS Cao Minh Nga- Bộ môn Vi sinh Trường ĐH Y Dược TPHCM, việc dùng formol tẩy khăn là khó chấp nhận. “Formol là chất cực độc dùng bảo quản xác chết tránh vi khuẩn xâm nhập. Người dùng dễ bị ngộ độc nếu hít phải khăn ngậm nhiều chất này”- TS Nga cảnh báo.

Bác sĩ Võ Thị Bạch Sương - chuyên Khoa Da liễu, ĐH Y Dược TPHCM cho biết, việc dùng khăn lạnh tái sinh nhiều lần rất nguy hiểm. Loại khăn này đã qua tay nhiều người sử dụng, nhưng không được tiệt trùng kỹ nên nguy cơ nhiễm bệnh về da liễu cao.

“Khăn ẩm ướt là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển và gây bệnh về da, nhất là các loại nấm như hắc lào, tổ đỉa, eczema, lang ben hay các vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp - Bác sĩ Sương nói.

Tại Bệnh viện Da liễu TPHCM mỗi năm các khoa da liễu tiếp nhận hàng chục trường hợp bị dị ứng da vì sử dụng các loại khăn lạnh dùng các chất tẩy rửa. Theo các bác sĩ khoa khám bệnh của bệnh viện này, không ít trường hợp đến khám vì chứng lở rộp môi do vi khuẩn virus herpes tồn tại trong khăn lạnh mất vệ sinh gây ra.

Trao đổi với Tiền Phong, Kỹ sư Nguyễn Thị Phấn- Khoa Kiểm nghiệm thực phẩm Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, cho biết, nhiều năm qua chưa có đề tài nghiên cứu nào về thực trạng khăn lạnh.

“Thỉnh thoảng chúng tôi nhận được vài mẫu khăn lạnh từ các cơ sở sản xuất quy mô trên địa bàn TPHCM đưa đến xét nghiệm các loại vi sinh như tụ cầu, E.coli và nấm mốc để xem khăn lạnh sử dụng một lần đã đạt chỉ tiêu chưa trước khi bán ra. Còn lại tuyệt đối không đi lấy mẫu kiểm tra” - Bà Phấn xác nhận.

Lê Nguyễn

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

Orginal Source Thấy làm khăn lạnh là hết muốn lau

Bài liên quan

©2002-2024. Copyright by Sức Khỏe Cộng Đồng. Quản trị nội dung: BSCK2 Phạm Xuân Hậu.
Template by JoomShaper