Bệnh viện vật lộn với giá thuốc leo thang

TP - Hiện nay, các bệnh viện vừa phải đối mặt với sự quá tải của bệnh nhân vừa chống chọi với biến động của giá thuốc sau khi nhiều doanh nghiệp nộp đơn đề nghị tăng giá thuốc. bệnh nhân vừa chống chọi với biến động của giá thuốc sau khi nhiều doanh nghiệp nộp đơn đề nghị tăng giá thuốc. Ảnh: Phạm YênCục Quản lý dược Việt Nam đã nhận được đơn xin đề nghị tăng giá 788 mặt hàng thuốc của hơn 30 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh dược phẩm.

Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp còn gửi công văn đến các bệnh viện (BV) thông báo sẽ điều chỉnh giá một số mặt hàng thuốc, hóa chất, dịch truyền và vật tư tiêu hao, nhất là những mặt hàng nhập khẩu để phù hợp với sự biến động của thị trường.

Các BV vừa phải đối mặt với sự quá tải của bệnh nhân vừa chống chọi với biến động của giá thuốc.

TS Lê Hoài Chương – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Phụ sản T.Ư), cho biết BV đã nhận được thông báo của vài Cty dược phẩm đề nghị sẽ tăng giá một số loại thuốc như Secnol; Utrogestan 100mg; Utrogestan 200mg; Festimon...

Tuy nhiên, bác sĩ Chương cho hay mặc dù các Cty dược có thông báo như vậy, nhưng giá các mặt hàng thuốc đến thời điểm này nhập vào của các Cty dược vẫn đảm bảo theo giá đã đấu thầu từ tháng 3/2008.

Đến nay tại BV Phụ sản T.Ư chưa có sự biến động nào về giá thuốc. Đối với vài ba mặt hàng thuốc như Albumin 20% hay Preguyl 1500 IU và Preguyl 5000 IU mà kho thuốc của BV đã hết hoặc đang sắp hết, trong khi nhà cung ứng thông báo là tạm thời hết hàng thì BV dùng tiết kiệm bằng cách chỉ dùng trong trường hợp thật cần thiết.

Một số thuốc dành cho bệnh nhân ngoại trú đang bị khan hiếm bác sĩ đã cho thay thế bằng loại thuốc khác có cùng biệt dược. Tuy nhiên, TS Chương lo lắng nếu giá thuốc tiếp tục tăng và tình trạng Cty dược thông báo hết thuốc thì BV không biết phải xoay sở ra sao để đủ thuốc cho bệnh nhân.

Bệnh viện K (Hà Nội), cũng chung tình trạng với BV Phụ sản T.Ư. Dược sĩ Phạm Khương - Quyền trưởng Khoa Dược của BV cho hay đã có 3 Cty gửi văn bản thông báo việc điều chỉnh giá thuốc một số loại thuốc như Iobrix; Mrbester...

GS.TS Nguyễn Bá Đức - Giám đốc BV K, cho biết khi nhận được văn bản đề nghị điều chỉnh giá của các Cty dược, BV đã cố tìm cách thương thảo và yêu cầu các Cty phải đảm bảo cung ứng thuốc theo đúng hợp đồng đã ký kết, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc và hóa chất. Vì vậy, cho đến nay BV K vẫn xoay sở được thuốc và hóa chất để phục vụ bệnh nhân.

Bà Hoàng Thị Ngọc Hưởng – PGĐ BV Tim Hà Nội cho biết một số vật tư tiêu hao chuyên khoa tim mạch của BV đã bị Cty cung cấp bỏ thầu và chịu phạt 3% giá trị gói thầu vì lý do giá mới trúng thầu với BV thấp ngang ngửa giá nhà thầu nhập khẩu. Do đó BV đã phải chấp nhận mua lẻ các mặt hàng này để phục vụ nhu cầu của bệnh nhân vì không thể để bệnh nhân nằm chờ đợi lâu.

Theo ông Nguyễn Văn Mão – Giám đốc BV Tim Hà Nội, sau khi nhận được công văn đề nghị tăng giá thuốc của các Cty dược, BV đã thương thảo với những nhà cung cấp này.

Hai bên đi đến phương án, cả nhà thầu và BV cùng lùi một bước để không bên nào quá thiệt và nhất là bệnh nhân có thuốc điều trị bệnh. Theo đó, bệnh viện chấp nhận mua thuốc với mức giá trần cao nhất.

Với cách làm này, thời gian qua BV Tim Hà Nội, như BV này thông báo, đã thiệt hại thêm 100 triệu đồng so với giá bỏ thầu thuốc hồi đầu năm 2008. Đối với vật tư tiêu hao, BV đã chấp nhận mua với mức giá kịch trần.

Hiện nay do thiếu một số loại vật tư phục vụ bệnh nhân do giá cao, BV không đủ tiền nên ban lãnh đạo BV đã gửi công văn kiến nghị Sở Y tế Hà Nội tăng giá trần.

TPHCM: Bệnh viện vẫn đủ thuốc

Ngày 3/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang vừa ký quyết định thành lập 2 đoàn công tác kiểm tra thị trường thuốc tân dược phía Nam và Bắc.

Đoàn phía Nam sẽ do Cục trưởng Cục Quản lý dược Trương Quốc Cường làm trưởng đoàn và đoàn phía Bắc sẽ do Chánh thanh tra Bộ Y tế Trần Quang Trung làm trưởng đoàn.

Thành phần đoàn có Bộ Y tế, Cục quản lý thị trường Bộ Công thương, C15 Bộ Công an, đại diện Sở Y tế các địa phương đi kiểm tra tình hình giá thuốc nhằm phát hiện những vi phạm trong điều chỉnh giá thuốc.

Nếu đơn vị nào có sự tăng giá thuốc không được phép thì sẽ có những chế tài rất mạnh xử phạt như rút giấy phép, phạt hành chính...

Theo các bệnh viện ở TPHCM, đã có một số Cty dược “đánh tiếng” về việc nguyên liệu tăng, hàng chưa về và sản xuất chưa kịp... để tăng giá thuốc và không cung ứng thuốc kịp thời cho bệnh viện. Tuy nhiên, đến thời điểm này thuốc vẫn không thiếu hụt cục bộ.

Trao đổi với chúng tôi, dược sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Anh- Trưởng khoa Dược Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cho biết: Đến thời điểm này vẫn chưa có doanh nghiệp dược nào ngừng cung ứng thuốc, cho dù trước đó họ đánh tiếng sẽ không đủ khả năng để cung cấp thuốc cho bệnh viện theo đấu thầu.

Mặc dù vậy, trước đó, giữa tháng 6, hai loại thuốc chống lao là Iso-Eremfat 150mg và EMB fatol 400mg cũng đã bị một Cty yêu cầu ngưng cung ứng vì giá nhập về quá cao nhưng đến nay cũng đã cung ứng trở lại.

Trong khi đó, tại bệnh viện quận 1, các bác sĩ khẳng định hiện vẫn có đủ cơ số thuốc điều trị cho bệnh nhân. Tại Bệnh viện Từ Dũ, trước tình trạng nhiều doanh nghiệp giao thuốc cầm chừng vì cho rằng hụt hàng, giá nguyên liệu nhập gia tăng, lãnh đạo Bệnh viện Từ Dũ đã áp dụng biện pháp áp dụng giá thầu mới bằng cách điều chỉnh 40% mặt hàng thuốc được tăng giá lên gần 15% so với thời điểm năm 2007.

Theo khoa Dược Bệnh viện Từ Dũ, trong khoảng một tháng qua, vẫn có một số mặt hàng thiếu như thuốc gây tê tủy sống Ephedrin 10mg, thuốc tiêm Hydralazine 20mg, điều trị cao huyết áp cho sản phụ tiền sản giật, Salbutamol 1mg, điều trị trong dọa sanh non... khiến bệnh viện phải xoay sở các nguồn thuốc ở ngoài.

Tại các bệnh viện khác như Nhân dân Gia Định, 115 và Ung bướu..., thuốc dự trữ cũng đã gần cạn. Tuy nhiên, các bệnh viện này đã xoay sở bằng cách “ứng” trước nguồn thuốc đấu thầu từ giai đoạn tiếp theo.

Riêng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, trước tình trạng nhà cung ứng thuốc ngừng cung cấp thuốc (Chlorure de Potassium – KCI 10%/10ml và Suopinchon), bệnh viện đã chọn nhà thầu thứ 2 để giao hàng đúng hẹn.

TPHCM: 100 mặt hàng thuốc xin tăng giá 5-30%

PGS Phạm Khánh Phong Lan- PGĐ Sở Y tế TPHCM cho biết đến hết ngày 2/7 Sở Y tế đã tiếp nhận điều chỉnh giá thuốc của 100 mặt hàng của 5 Cty dược phẩm gồm: Pharmedic, United Pharma, VidiPhar, Cty dược 3 tháng 2 và 2/9, với tỷ lệ điều chỉnh tăng từ 5-30%.

Theo dược sĩ Lan tỷ lệ mặt hàng cần điều chỉnh lần này chỉ chiếm khoảng 10%, bởi hiện tổng số mặt hàng sản xuất của 5 Cty trên khoảng hơn 1.000 mặt hàng.

Ngày 2/7, khảo sát của Tiền phong tại Trung tâm thương mại dược phẩm quận 10 cho thấy một số loại thuốc như Ventolin tăng 5% so với trước đây 10 ngày; Gastropulgite tăng 4%, Stimol A tăng 5%, Flixonase tăng 4,3%, Colchicin tăng 92% và Tadyferon tăng 12%.

Theo các Cty dược phẩm tại đây thì các loại thuốc kháng sinh tăng giá khá cao như Amoxicilin 500mg tăng lên 10.000đồng/hộp, Amoxicilin MKP cũng tăng 8.000đồng/hộp, Ampicilin 500mg từ 43.000 đồng/hộp vào tháng 6, hiện nay đã tăng lên 72.000 đồng/hộp.

Thái Hà – Lê Nguyễn

Orginal Source Bệnh viện vật lộn với giá thuốc leo thang

Bài liên quan