Cấp bách phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm

Ngày 11-11-2007, bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng Phòng Nghiệp vụ y - Sở Y tế TPHCM, cho biết qua soi phân và cấy phân ở bệnh nhân V.T.V, 56 tuổi, quê Nam Định, đang điều trị tiêu chảy tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP cho kết quả âm tính với phẩy trùng tả.

UBND TPHCM vừa ban hành chỉ thị về việc thực hiện các nhiệm vụ cấp bách phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm trên địa bàn TP. Theo đó, Sở Y tế phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc mua bán, tiêu thụ, sử dụng các loại mắm trên địa bàn TP; dừng ngay việc mua bán, sử dụng mắm tôm có nguồn lây truyền bệnh và tiêu hủy ngay mắm tôm không rõ nguồn gốc, nhãn mác; kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể, KCX, KCN, trường học, bệnh viện, các đơn vị cung cấp bữa ăn công nghiệp...

Bên cạnh đó, các bệnh viện, cơ sở y tế phải chuẩn bị đủ thuốc, dịch truyền, hóa chất, thiết bị để điều trị hiệu quả, hạn chế chuyển tuyến điều trị.

Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn và Sở NN-PTNT phải bảo đảm nguồn cung cấp nước sinh hoạt an toàn.

Riêng Sở Y tế phải bảo đảm cung ứng đủ lượng Cloramine B cho người dân ở khu vực có nguy cơ dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường khi tiêu hủy mắm tôm và các loại mắm bị tịch thu, đồng thời thông tin tuyên truyền các biện pháp phòng dịch bệnh tiêu chảy cấp đến từng người dân.

Chủ tịch UBND các quận, huyện trực tiếp chỉ đạo triển khai công tác phòng chống và sớm khoanh vùng các ổ dịch tiêu chảy cấp, đồng thời chịu trách nhiệm trước UBND TP nếu để dịch lan rộng trên địa bàn.

Ngày 11-11, bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng Phòng Nghiệp vụ y - Sở Y tế TPHCM, cho biết qua soi phân và cấy phân ở bệnh nhân V.T.V, 56 tuổi, quê Nam Định, đang điều trị tiêu chảy tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP cho kết quả âm tính với phẩy trùng tả.

Hiện sức khỏe của bệnh nhân V. đã ổn định nhưng vẫn được tiếp tục theo dõi tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới từ 10 đến 14 ngày, do bệnh nhân này di chuyển vào TPHCM từ vùng dịch tiêu chảy cấp nên vẫn có khả năng lây nhiễm phẩy trùng tả. Đến nay, tại TPHCM chưa có trường hợp nào bị tiêu chảy cấp hoặc dương tính với phẩy trùng tả.

Trong tuần qua, Hà Nội đã tiêu hủy gần 4.000 kg mắm tôm nhiễm khuẩn. Ban Chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm TP Hà Nội đã tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc kinh doanh thực phẩm, nhất là loại hình thức ăn đường phố tại một số tuyến phố, chợ trên địa bàn. Các đoàn đã đình chỉ hoạt động 4/5 cơ sở kinh doanh ăn uống tại chợ Trương Định vì không bảo quản thức ăn trong tủ kính và tịch thu nhiều thức ăn sẵn không bảo đảm vệ sinh tại chợ Mơ.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, khẳng định TP sẽ làm triệt để trong việc quản lý thức ăn đường phố, như tuyệt đối cấm bán hàng rong, kiên quyết đình chỉ các cơ sở không đủ điều kiện.

A.Nguyệt - N.Phương - N.Dung

Bài liên quan