Hằng ngày tôi đi cầu đều đặn. Tự dưng một tháng nay mót cầu đau bụng nhưng không đi được, rặn hết cỡ cũng chỉ đi được chút ít (phân mềm không táo bón). Đi khám bệnh xét nghiệm phân: bình thường, chụp CT ruột: bình thường, có nhiều hơi. Bác sỹ cho thuốc chống táo bón: TEGIBS-6. Uống 5 ngày, đi cầu lại được bình thường. Khoảng 2 tuần sau hiện tượng trên lại xuất hiện. Xin hỏi có phải bị hội chứng ruột kích thích không? Cần uống thuốc gì? Uống Scopolamine được không? (Nếu được uống liều lượng bao nhiêu? Thời gian uống? Có tác hại gì nếu uống lặp lại lâu dài?). (Phạm Thị Nhẫn)
Trả lời:
Hội chứng này còn được gọi là viêm đại tràng co thắt, rối loạn chức năng đại tràng, bệnh đại tràng chức năng... Các rối loạn tiêu hóa mạn tính tái đi tái lại, kéo dài ít nhất 3 tháng mà không làm thay đổi cấu trúc hay yếu tố sinh hóa của dạ dày, ruột.
Hội chứng ruột kích thích là một bệnh lý phổ biến. Trên thế giới, ước tính có khoảng 20% dân số bị hội chứng này. Tại Việt Nam, 30-40% bệnh nhân đến khám chuyên khoa tiêu hóa bị hội chứng ruột kích thích. Tỷ lệ nữ mắc bệnh cao gấp 4 lần nam; bệnh hay gặp ở lứa tuổi thanh niên. Người dễ mắc là bệnh nhân rối loạn thần kinh chức năng (hysteria), trầm cảm, ám ảnh hay bị stress tâm lý... Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Chi phí điều trị rất tốn kém nhưng kết quả lại hạn chế. Đến nay, cơ chế gây hội chứng ruột kích thích vẫn chưa rõ ràng.
Những biểu hiện chính của bệnh là đau bụng mạn tính và táo bón, hoặc tiêu chảy không liên tục, kéo dài; có bệnh nhân bị táo bón xen lẫn tiêu chảy. Tiêu chảy thường xảy ra vào buổi sáng, sau bữa điểm tâm. Sau khi đi ngoài 3-4 lần với phân nhiều nhầy, nước, bệnh nhân thấy đỡ đau và có thể sinh hoạt bình thường. Tiêu chảy có thể kéo dài hàng tháng, sau đó có khi tự hết mà không cần điều trị. Táo bón ở người bị hội chứng ruột kích thích thường kết hợp với đau bụng; thường ở bụng dưới. Khi trung tiện được hoặc đi ngoài xong thì đỡ đau hoặc hết hẳn.
Các dấu hiệu lâm sàng trên có thể liên quan đến một số loại thức ăn hay trạng thái tâm lý. Các xét nghiệm phân tìm ký sinh trùng, xét nghiệm máu cho kết quả bình thường. Nội soi đại tràng không thấy tổn thương thực thể (viêm, loét, u...).
Hội chứng ruột kích thích là bệnh liên quan đến thần kinh nên yếu tố tâm lý rất quan trọng. Bệnh nhân cần hiểu rõ đây là bệnh không nguy hiểm, không tiến triển thành viêm loét hay ung thư đại tràng. Nên tự thích nghi với điều kiện sinh hoạt, ăn uống, luyện tập thể dục (tập thở, xoa bụng). Tập thói quen đi ngoài hằng ngày vào một giờ nhất định. Hạn chế các yếu tố làm bệnh nặng thêm như thói quen ăn uống (cá, mỡ, bia, rượu...), căng thẳng thần kinh. Các thuốc điều trị triệu chứng chỉ được sử dụng khi những biện pháp tâm lý thất bại.
Khả năng điều trị dứt điểm rất khó khăn. Vì vậy, mỗi bệnh nhân cần hiểu rõ về bệnh để duy trì cuộc sống ổn định, thích nghi với nó.
Bạn đã đi khám và đã được bác sĩ chuẩn đoán bệnh và kê đơn điều trị, sau mỗi đợt điều trị bạn nên tái khám để bác sĩ so sánh két quả trước và sau khi điều trị và có hướng điều trị tiếp theo. Trong quá trình sử dụng thuốc nếu có vấn đề gì bất thường bạn nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ điều trị, tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc.
Chúc bạn sức khoẻ.