Vũ điệu tango: Toa thuốc quý

Vũ điệu tango: Toa thuốc quý

TP - Tôi cầm đơn thuốc của bác sĩ với chỉ định “khiêu vũ 3 lần/ tuần” và ngạc nhiên hỏi: “Tại sao bác sĩ không kê tên thuốc?”. Ông bác sĩ gật gù: “Cứ theo chỉ định. Sau sáu tuần bà thông báo kết quả !”. Không cần đợi đến kỳ hạn, ngay sau bốn tuần, chân tôi đã hết bị “kiến bò”.

Bà Olga Tokarczuk, không phải là nạn nhân “kiến bò chân” duy nhất – khỏi bệnh nhờ khiêu vũ, mà còn nhiều ông, bà ở tuổi “đầu 5” khỏe ra nhờ thường xuyên lên sàn... khiêu vũ.

Những vũ điệu valc hay tăng-gô xuất hiện từ xa xưa và phổ biến ở các nước Châu Âu và Nam Mỹ, được coi là môn giải trí trong các lễ hội. Tuy nhiên, gần đây nhiều nhà khoa học mới “để mắt” tới khía cạnh sức khỏe của những vũ điệu uyển chuyển mà mạnh mẽ này. “Bí quyết của những bước tăng-gô không chỉ đem lại khả năng thư giãn, dễ chịu mà còn hơn thế ....” - giáo sư Michael Martinez thuộc University of Texas khẳng định. Ông cho biết, những vũ điệu này còn tác động tới hoạt động của não tích cực hơn nhiều so với đi bộ nhanh hay yoga. Một số nhà khoa học Mỹ thuộc McGill University gần đây đã tiến hành một khảo nghiệm tác dụng của khiêu vũ với sự tham dự của 320 người ở tuổi “sang thu”. Số người này, sau khi đã kiểm tra trắc nghiệm về khả năng trí nhớ, tập trung và khả năng duy trì cân bằng cùng với khả năng phối hợp các chi, được chia làm hai nhóm: nhóm thứ nhất tham gia đều đặn khiêu vũ 3 buổi/tuần; nhóm thứ hai – thay vì lên sàn, tham gia đi bộ nhanh 3 lần/tuần. Sau 10 tuần, các nhà khoa học tiến hành kiểm tra trắc nghiệm cả hai nhóm.

Kết quả cho thấy, nhóm những người tham gia khiêu vũ đều đặn đạt số điểm vượt trội trong tất cả các khả năng so với nhóm đi bộ. Ngoài ra, nhóm người tham gia khiêu vũ còn có khả năng thực hiện nhiều thao tác trong cùng một lúc. Khiêu vũ – nhất là các điệu tăng-gô có tác dụng cải thiện hoạt động của não bộ – bà Patricia McKinley, trưởng nhóm khảo nghiệm cho biết, các động tác thẳng người bước lên phía trước hay lùi phía sau, xoay chuyển hướng trong một không gian chật hẹp giống như những bài tập phục hồi chức năng được áp dụng cho những bệnh nhân bị những bệnh rối loạn thần kinh. Sự khác biệt cơ bản giữa những vũ điệu tăng-gô với các bài tập phục hồi chức năng ở chỗ, các vũ điệu được phối hợp nhịp nhàng của “bạn nhảy”, trong sự cổ vũ của tiếng nhạc với niềm say mê hào hứng....”

Những điệu tăng-gô xuất xứ từ Argentina kích hoạt sự phấn khích như liều thuốc bổ cho não và cho hệ thần kinh. Qua thực tế người dạy khiêu vũ, bà Rosa Pinniger thuộc University of New England, nhà khoa học đã tiến hành nhiều khảo nghiệm những người tham gia các khóa học bằng các cuộc phỏng vấn và trắc nghiệm cho biết, khiêu vũ có tác dụng đối với sức khỏe sau khi tham gia vài tuần; những bước nhanh, chậm, chậm, nhanh cùng bạn nhảy theo tiếng nhạc là liệu pháp hiệu quả xua tan mệt mỏi, buồn phiền. Theo bà Rosa Pinniger, những điệu nhảy tăng-gô tác động tới tâm lý con người giống như ngồi thiền – là toa thuốc quý chống trầm cảm, xua tan căng thẳng đầu óc, giúp khí huyết lưu thông tốt hơn. Bà cho biết, khi khiêu vũ, cần tập trung cao độ để không để xảy ra nhầm lẫn bước di chuyển, buộc người tham gia quên hết những phiền muộn trong đầu.

Bà Elzbieta Siporzynska tâm sự: “Sàn nhảy đã giúp tôi vơi đi những đau đớn khi đứa con trai duy nhất bị mất do tai nạn giao thông”. Tiến sĩ Piotr Wozniak, thuộc Đại học Y Warszawa (Ba lan) – nhà khao học đã có nhiều nghiên cứu về liệu pháp khiêu vũ cho biết, vũ điệu tăng-gô được chỉ định cho những người bị hội chứng kiến bò chân, suy giảm trí nhớ, bệnh tim-mạch và trầm cảm. Lên sàn nhảy còn là liệu pháp giảm béo nhẹ nhàng, không kém phần hiệu quả. Theo nghiên cứu của Trung tâm Sức khỏe Cộng đồng Mỹ, 1 giờ khiêu vũ với điệu tăng-gô giúp chúng ta tiêu hao 220-250 calo; điệu valse – 180-200 calo; điệu cha-cha và samba – 350-400 calo và rock and roll – 400-500 calo.

Ngoài những tác dụng như toa thuốc quý của vũ điệu tăng-gô, valse hay cha-cha....các nhà khoa học còn phát hiện nhiều điều lý thú xung quanh những bước nhảy uyển chuyển hay bốc lửa. Mới đây, giáo sư Richard Ebstein thuộc Hebrew University of Jerusalem đã tiến hành nghiên cứu DNA của hơn 100 vũ công chuyên nghiệp đã phát hiện ra rằng, hệ gien và hoóc-môn đóng vai trò chủ yếu để trở thành những vũ công xuất sắc. Ông cho biết, hai loại gien đặc trưng có trong một số người kết hợp với hai loại hoóc-môn serotonin (còn gọi là hoóc-môn hạnh phúc) và vasopressin ( có chức năng kết nối quan hệ tình cảm) tạo lên loại “men” khiến họ như hóa thân vào những vũ điệu coi đấy là những cách giao lưu tình cảm với những người xung quanh, biến họ thành những “nghệ sĩ” trên sàn.

Tiến sĩ Peter Lovatt thuộc University of Hertfordshire, người từng có thời là vũ công, được báo chí Anh mệnh danh là “Tiến sĩ Dance” – qua nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, quyết định kỹ năng khiêu vũ đẹp và diệu nghệ là nồng độ hoóc-môn testosteron trong máu. Qua nhiều khảo cứu của ông cho thấy, những người đàn ông khiêu vũ đẹp, lôi cuốn, khéo léo kết hợp các động tác, có những bước nhảy mạnh mẽ, mê hồn là những người có nồng độ testosteron (hormone nam tính) cao. Ngược lại, những phụ nữ có những bước đi uyển chuyển, thuần thục, những cái “đánh hông” đắm đuối trên sàn là những người có hàm lượng testosteron thấp. Qua phân tích hàng nghìn thước phim ba chiều quay trong nhiều vũ hội, tiến sĩ Peter Lovatt còn phát hiện ra rằng, những người phụ nữ có nồng độ testosteron trong máu thấp thường hay được đàn ông mời nhảy. Ông cho biết, trên sàn nhảy những người đàn ông có khả năng nhận biết trong tiềm thức những ứng viên tiềm tàng cho nửa thứ hai của mình.

“Khiêu vũ như thế nào, tính cách như thế” - tiến sĩ Geoff Luck thuộc Đại học Phần lan khẳng định. Qua nhiều khảo cứu trên các sàn nhảy, ông cho rằng : những người tính tình sôi nổi, thích ồn ào, sôi động, quan tâm đến thế giới...là những người tích sàn nhảy rộng rãi, họ thích những vũ điệu khỏe khoắn, mạnh mẽ. Họ đặc biệt thích những vũ điệu theo nhạc rock. Những người dễ cảm, nhút nhát, không thích va chạm có những bước nhảy mạnh mẽ. Họ hợp với những vũ điệu tăng-gô và valse. Những người thích những điệu nhảy quay cuồng kiểu khiêu vũ của người Cô dắc (Nga) là những người có tâm tính cởi mở, dễ gần.

Theo Phạm Quang Thiều
Tri Thức Trẻ

Nguồn: Vũ điệu tango: Toa thuốc quý

Bài liên quan