PABA thường được xem là một thành viên của nhóm B nhưng nó không phải là một vitamin thực sự. PABA là một phần cấu trúc của acid folic.
Chức năng
Chức năng của PABA ở người chưa được hiểu biết rõ ràng. Có lẽ nó tham gia vào chuyển hóa các amino acid và tế bào hồng cầu.
Nhu cầu
Chưa xác định liều dùng hàng ngày.
Lượng bổ sung đề nghị là 30-100mg/ngày.
Nguồn thực phẩm
Lượng PABA trong thực phẩm không nhiều. Gan, trứng, mầm lúa mì và rỉ đường là những nguồn chứa nhiều PABA.
Sự thiếu hụt và triệu chứng
Thiếu hụt PABA có thể gây một số rối loạn ở da như mất sắc tố, chàm (eczema), hoặc các triệu chứng tâm thần kinh như cáu kỉnh, trầm cảm,...
Dùng bổ sung
Ngoài một lượng nhỏ trong các chế phẩm đa sinh tố, còn lại người ta thường dùng PABA trong điều trị bệnh bạch biến (do mất sắc tố da).
PABA còn được dùng trong bệnh xơ cứng bì (da bị dày và cứng) và bệnh Lupus – một bệnh tự miễn nặng có một số biểu hiện rối loạn ở da. Tuy nhiên liều dùng trong các thử nghiệm lâm sàng cho các bệnh này rất cao và không nên tự ý sử dụng.
PABA cũng được dùng tại chỗ như một chất lọc ánh sáng.
Độ an toàn
PABA khá an toàn ở hầu hết liều dùng, tuy nhiên nếu dùng quá 8g mỗi ngày có thể gây phiền muộn, sốt, khó chịu ở gan.
Tương tác và chống chỉ định
PABA tương tác và trung hòa tác động của các thuốc họ sulfa.