Chắc bạn cũng đã từng nghe về một số loại carotenoid, như beta-carotene, lutein và lycopene chẳng hạn. Trong hai thập kỷ cuối vừa qua, các nhà khoa học, các thầy thuốc và các chuyên gia đã thực hiện hàng trăm nghiên cứu trên loại dưỡng chất quan trọng này. Họ đã khám phá được, chẳng hạn như beta-carotene là một chất kích thích mạnh mẽ tế bào miễn dịch, có thể bảo vệ cơ thể chống nhiễm khuẩn và ung thư; Lutein có thể làm giảm nguy cơ thoái hóa võng mạc, một trong những nguyên nhân gây mù thường gặp ở người trên 60 tuổi; còn Lycopene có thể giúp ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt. Đó chỉ là một số trong rất nhiều lợi ích cho sức khỏe từ các carotenoid.
Tại sao carotenoid lại hữu ích cho sức khỏe như vậy? Cũng như vitamin C và E, carotenoid là một chất chống oxy hóa mạnh. Cơ thể chỉ có thể sống và phát triển được không thể chỉ với một hay hai mà là rất nhiều loại chất chống oxy hóa khác nhau. Và các carotenoid là một nhóm dưỡng chất chống oxy hóa tự nhiên lớn nhất có thể đáp ứng nhu cầu đó.
Carotenoid thực chất là gì?
Thuật ngữ carotenoid dùng để chỉ một họ gồm khoảng 600 sắc tố thực vật khác nhau. Mặc dù trong thiên nhiên số lượng carotenoid nhiều như vậy nhưng số có lợi cho sức khỏe không nhiều. Chẳng hạn có khoảng 50 loại carotenoid trong các thực phẩm mà người Mỹ thường dùng nhất, nhưng chỉ có 14 loại phát hiện thấy trong máu. Như vậy một số ít carotenoid được hấp thu, còn lại theo đường ruột ra ngoài, mặc dù chúng cũng có thể có ích cho cơ thể trong khi di chuyển trong ống tiêu hóa. Tất cả các carotenoid đều tan trong dầu mà không tan trong nước.
Các Carotenoid có hiệu quả gì đặc biệt?
Hàng loạt nghiên cứu khám phá ra rằng ăn những thực phẩm chứa nhiều carotenoid có thể giảm nguy cơ nhiều loại ung thư, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Carotenoid cũng có thể làm giảm thấp nguy cơ bệnh tim mạch, giảm nồng độ cholesterol máu, giảm tác hại của ánh nắng mặt trời trên da,... Tăng cường sử dụng thức ăn giàu carotenoid giúp giảm nguy cơ nhiều bệnh lý khác nhau.
Carotenoid được khám phá khi nào?
Một nhà khoa học đã phân lập được “carotene” từ rễ cây cà rốt năm 1831, và chỉ vài năm sau đó một nhà khoa học khác lại phát hiện “xanthophylls” trong lá vàng của mùa thu. Năm 1911, một nhà khoa học khác nữa lại phát hiện đó là những hợp chất có liên quan nhau, ông đặt tên cho chúng là các “carotenoid”.
Bằng cách nào người ta phát hiện ra các ích lợi của carotenoid?
Phần lớn các chuyên gia dinh dưỡng và sức khỏe đều nhận thấy rằng chế độ dinh dưỡng giàu trái cây và rau xanh có liên quan với sự giảm nguy cơ nhiều bệnh. Ví dụ những người ăn chay ít mắc bệnh ung thư hơn so với những người ít ăn rau quả, trái cây. Nghiên cứu thành phần các loại thực phẩm này, họ phát hiện ra chúng rất giàu carotenoid cũng như nhiều dưỡng chất quan trọng khác. Hàng trăm nghiên cứu đã khẳng định lợi ích của trái cây và hoa quả, và hàng trăm nghiên cứu khác đã chứng minh vai trò và ích lợi của carotenoid đối với cơ thể.
Cơ thể có thể chuyển carotenoid thành vitamin A không?
Vâng. Một số carotenoid trong thực phẩm được ống tiêu hóa chuyển thành vitamin A, một vitamin thiết yếu cho cơ thể bạn. Beta-carotene là một loại carotenoid phổ biến nhất và đôi khi được xem như là tiền vitamin A. Các loại carotenoid chính khác như lutein và lycopene không thể chuyển thành vitamine A được.
Carotenoid đóng vai trò gì đối với thực vật?
Carotenoid có rất nhiều chức năng khác nhau đối với thực vật. Ánh sáng mặt trời hết sức cần thiết cho cây quang hợp, tăng trưởng và phát triển, tuy nhiên tia cực tím UV (Ultraviolet) có thể tạo ra những phân tử nguy hiểm gọi là các gốc tự do, đe dọa sự sống các tế bào. Các gốc tự do gây oxy hóa tế bào cũng giống như oxy làm cho sắt bị rỉ sét hay làm cho bơ bị ôi. Carotenoid đóng vai trò một chất chống oxy hóa, bảo vệ các tế bào tránh các tổn hại do gốc tự do. Carotenoid cũng góp phần ổn định và bảo vệ bộ gen của tế bào.
Điều gì xảy ra khi chúng ta ăn carotenoid?
Khi chúng ta ăn carotenoid, chúng ta có được nguồn chống oxy hóa từ thực vật. Cũng như nhiều dưỡng chất thiết yếu khác, carotenoid mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, như tăng cường khả năng đề kháng chống nhiễm khuẩn, ngăn ngừa tổn thương DNA (Deoxyribonucleic acid) và các chất liệu di truyền khác, giảm nguy cơ ung thư,...
Tại sao người ta không ăn nhiều hoa quả, rau xanh?
Đây là một mục tiêu lý tưởng, nhưng không dễ dàng gì để thay đổi thói quen ăn uống của mọi người. Có người đơn giản chỉ không thích mùi vị của rau, như cây cải xanh. Có người lại thích thức ăn chế biến từ thực vật, như khoai tây chiên, trong khi loại này lại chứa nhiều gốc tự do có hại. Một số khác lại rất khó chịu với vị đắng và ít khi chịu ăn rau xanh. Một số lớn ít ăn rau quả và thường ít chịu thay đổi thói quen ăn uống của mình.
Các chế phẩm dinh dưỡng có thể bổ sung cho chế độ ăn thiếu rau quả không?
Hàng loạt chế phẩm bổ sung carotenoid được sản xuất chuyên biệt cho những người có chế độ ăn như vậy. Mặc dù không có sản phẩm nào cung cấp tất cả các carotenoid cần thiết nhưng người ta cũng đã chứng minh được carotenoid ở dạng này cũng giúp làm giảm nguy cơ nhiều bệnh lý ở những người ít ăn rau quả cũng như người có chế độ ăn trái cây và rau xanh bình thường. Ví dụ chế phẩm beta-carotene có thể làm đảo ngược một tình trạng tiền ung thư ở vùng miệng gọi là leukoplakia, chế phẩm lutein có thể giảm nguy cơ và có lẽ làm chậm quá trình tiến triển của bệnh thoái hóa võng mạc; còn chế phẩm lycopene có thể giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.
Sự hấp thu carotenoid ở dạng tự nhiên và dạng chế phẩm thuốc, loại nào tốt hơn?
Hẳn là trong đầu bạn nghĩ ngay rằng carotenoid dạng tự nhiên dễ hấp thu hơn. Nhưng thực sự thì ngược lại, carotenoid trong các chế phẩm dinh dưỡng lại được hấp thu tốt hơn carotenoid trong thực phẩm. Lý do là carotenoid trong thực phẩm bị kềm giữ trong lưới sợi xơ rất khó tiêu hóa. Việc nấu chín thức ăn có thể phá vỡ lưới sợi này, giúp tăng cường hấp thu carotenoid, nhưng cũng có thể làm hỏng nó. Còn carotenoid trong chế phẩm bổ sung không nằm trong lưới sợi nên việc hấp thu rất dễ dàng. Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh tính đúng đắn của kết luận này.
BETA-CAROTENE
Beta-carotene là một loại carotenoid phổ biến nhất được tìm thấy trong thực phẩm và là tiền thân chủ yếu của vitamin A (cơ thể có thể chuyển beta-carotene thành vitamin A). Beta-carotene có màu cam, thường thấy trong các loại trái cây và rau quả có màu cam như cà rốt, bí ngô, đào, khoai lang đỏ,...nhiều nghiên cứu đã chứng tỏ vai trò và ích lợi của beta-carotene trên hệ miễn dịch, ngăn ngừa nhiều loại ung thư và giảm tác hại của ánh nắng mặt trời.
Các ích lợi beta-carotene được phát hiện khi nào? Vài thập kỷ trước đây các nhà khoa học đã khám phá ra rằng beta-carotene có thể chuyển thành vitamin A trong cơ thể, cho nên nó cũng có những tác dụng tương tự loại vitamin này. Ví dụ, cả vitamin A và beta-carotene đều được dùng để điều trị quáng gà, một dấu hiệu sớm của tình trạng thiếu vitamin A, trong đó mắt không thể thích nghi nhanh chóng với sự thay đổi cường độ ánh sáng. Tuy nhiên beta-carotene dùng trong trường hợp này tác dụng không nhanh bằng vitamin A vì cơ thể phải chuyển beta-carotene thành vitamin A.
Suốt thập niên 1970 các nhà khoa học đã phát hiện hàng loạt chứng cứ cho thấy các loại trái cây và rau quả chứa nhiều beta-carotene có thể làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch và một số loại ung thư. Các chuyên gia còn phát hiện nhiều lợi ích từ beta-carotene hoàn toàn độc lập với tác dụng giống vitamin A của nó.
Sử dụng chế phẩm beta-carotene mang lại những ích lợi gì?
Chế phẩm beta-carotene có hàng loạt tác dụng có lợi cho sức khỏe. Lợi ích đáng kể nhất là khả năng hoạt hóa một số loại tế bào miễn dịch của cơ thể. Beta-carotene còn có thể làm tăng dung tích phổi, nghĩa là bạn có thể hít thở sâu hơn, nhiều không khí hơn. Đã có một số bằng chứng cho thấy beta-carotene có thể giảm tổn thương DNA, bảo vệ da tránh tác hại của ánh nắng mặt trời, hạ thấp nguy cơ mắc một số loại ung thư, góp phần giảm nồng độ cholesterol máu cũng như nguy cơ một số bệnh tim mạch liên quan. Beta-carotene còn là một nguồn cung cấp vitamin A an toàn (vitamin A dùng liều cao có thể gây ngộ độc) vì cơ thể chuyển beta-carotene thành vitamin A chậm hơn.
Chế phẩm beta-carotene hỗ trợ hệ miễn dịch như thế nào?
Beta-carotene cải thiện chức năng hệ miễn dịch bằng rất nhiều cách khác nhau. Trong một số nghiên cứu mới đây, tiến sĩ khoa học David A. Hughes và các đồng sự thuộc Viện nghiên cứu về thực phẩm Anh Quốc phát hiện ra beta-carotene tác động lên tế bào bạch cầu đơn nhân (Monocyte) – một loại tế bào miễn địch giúp tìm kiếm và phá hủy các tế bào ung thư và các vi khuẩn gây bệnh. Trên bề mặt các Monocyte có một loại protein đặc biệt là MHC II giúp cho các Monocyte có thể nhận diện và phân biệt các tế bào ung thư với các tế bào bình thường. MCH II được xem như một loại rada chống ung thư. Khi MCH II phát hiện ra một tế bào ung thư, monocyet lập tức gửi tín hiệu đến các tế bào miễn dịch khác, chúng sẽ di chuyển đến và phá hủy tế bào bất thường. Tuy nhiên, nếu Monocyte không có đủ các MHC II trên bề mặt, các tế bào ung thư sẽ nghiễm nhiên di chuyển mà không bị nhận diện, và rồi chúng tiếp tục sao chép, sinh sản nhân đôi ngày một nhiều hơn.
Đây chính là khâu quan trọng mà beta-carotene tham gia vào cuộc chiến. Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Hughes, beta-carotene làm tăng số lượng protein MHC II trên bề mặt các tế bào Monocyte (theo một nghiên cứu ngẫu nhiên mù đôi của ông, 25 người đàn ông khỏe mạch được uống chế phẩm chứa beta-carotene 15mg/ngày trong 30 ngày so sánh với những người khác chỉ uống giả dược, kết quả cho thấy có sự tăng số lượng protein MHC II trên bề mặt các monocyte một cách rõ rệt).
Một loạt các nghiên cứu tại Đại học Tufts, Medford, Massachusetts đã phát hiện beta-carotene trong các chế phẩm thuốc có khả năng làm tăng hoạt động của các tế bào tiêu diệt tự nhiên (Natural Killer Cell: NK cell). Đó là những tế bào miễn dịch rất mạnh, chúng tấn công tiêu diệt không chỉ các tế bào ung thư mà còn các tế bào bị nhiễm virus. Các chuyên gia của Tufts cho biết, chế phẩm beta-carotene thúc đẩy hoạt động của các tế bào NK, đặc biệt ở những người đàn ông lớn tuổi. Điều này rất quan trọng, bởi càng lớn tuổi, hệ miễn dịch càng bị suy yếu.
Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y khoa trường Đại học Loyola, Maywood, Illinois cũng phát hiện chế phẩm beta-carotene (30mg/ngày) làm tăng khả năng miễn dịch trên 50 bệnh nhân ung thư hoặc polyp đại tràng. Trước khi dùng beta-carotene, các bệnh nhân này đã bị giảm tỷ lệ phần trăm các loại tế bào miễn dịch CD4, interleukin-2 (IL-2) và interleukin-2 dương tính (IL-2R). Các tế bào này đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa và chống ung thư. Chế phẩm beta-carotene làm tăng đáng kể các tế bào IL-2R và CD4 trên các bệnh nhân ung thư và polyp đại tràng.
Beta-carotene còn giúp giảm thấp nguy cơ nhiều loại ung thư khác, như ung thư vú, ung thư vùng chậu, tuyến tiền liệt, ung thư thực quản, ung thư phổi (đặc biệt trên người nghiện thuốc lá),...
Chế phẩm beta-carotene bảo vệ làn da của bạn như thế nào ?
Tia cực tím (Ultraviolet: UV) trong ánh nắng mặt trời tạo ra rất nhiều gốc tự do gây tổn hại các tế bào da. Các vitamin và các dưỡng chất có khả năng chống oxy hóa thường tập trung rất nhiều ở da, như beta-carotene, vitamin E và C. Chúng tập trung nhanh chóng đến những nơi có nhiều gốc tự do trên da. Một nghiên cứu mới đây cho thấy các phụ nữ sử dụng chế phẩm beta-carotene thiên nhiên có tăng đáng kể nguồn dự trữ beta-carotene ở da.
Beta-carotene ảnh hưởng như thế nào trên cholesterol?
Trước tiên, bạn cần nhớ rằng cholesterol là một chất thiết yếu cho cuộc sống. Nó là nền tảng cấu trúc của nhiều hormone steroid trong cơ thể. Cơ thể cũng sử dụng cholesterol để sản xuất vitamin D. Tuy nhiên nồng độ cholesterol trong máu tăng cao sẽ là một vấn đề không tốt cho sức khỏe, như tạo ra quá nhiều gốc tự do gây tổn thương tế bào, nhất là dạng cholesterol tỷ trọng thấp LDL (Low Density Lipoprotein – Cholesterol) đóng vai trò trung tâm trong nhiều bệnh lý tim mạch.
Các tế bào bạch cầu trong máu nhận diện được những LDL oxy hóa có hại cho cơ thể, chúng tấn công và tiêu hủy LDL cũng tương tự như tấn công các vi khuẩn xâm nhập. Các bạch cầu bị đầy ứ LDL-cholesterol bị bắt giữ và mắc kẹt trên thành các động mạch, nơi đây bắt đầu sự lắng đọng cholesterol. Do vậy, một trong những bước quan trọng trong việc ngăn ngừa các bệnh lý tim mạch là phòng chống sự oxy hóa LDL thông qua các chất chống oxy hóa, như beta-carotene. Theo một nghiên cứu được công bố trên tờ American Journal of Clinical Nutrition, các chuyên gia đã tính toán rằng phụ nữ sử dụng ít nhất 5.37mg (8.950 IU) beta-carotene mỗi ngày có thể chống lại sự oxy hóa LDL.
Cũng vậy, các nhà nghiên cứu ở trường Đại học Toronto cũng chứng minh được sử dụng beta-carotene 20mg/ngày có thể làm giảm sự peroxide hóa lipid trên những người nghiện thuốc lá.
Một số nghiên cứu trên súc vật cho kết quả khả quan khi beta-carotene có thể làm giảm nồng độ cholesterol máu. Tiến sĩ Dược khoa Judy A. Driskell thuộc Đại học Nebraske, Lincoln, đã cho thỏ sử dụng chế phẩm bổ sung beta-carotene và vitamin E nhằm nghiên cứu sự cải thiện các bệnh lý tim mạch. Beta-carotene và vitamin E dường như có những tác động hiệp đồng. Beta-carotene làm giảm nồng độ LDL toàn phần, giảm kích thước mảng lắng đọng cholesterol và độ dày thành mạch máu.
Beta-carotene và bệnh quáng gà
Quáng gà là một triệu chứng khá phổ biến của tình trạng thiếu vitamin A, biểu hiện bởi sự không thích nghi nhanh chóng của mắt đối với sự thay đổi ánh sáng. Người bị quáng gà rất khó nhìn thấy mọi thứ khi đi từ chỗ sáng rõ vào vùng tối như rạp chiếu bóng, phải đợi vài phút sau mắt mới thích nghi được. Cũng tương tự như vậy, những người mắc chứng này khi lái xe ban đêm bị đèn pha chiếu vào mắt sẽ rất khó nhìn thấy mọi vật sau đó nên sẽ rất nguy hiểm.
Quáng gà có thể dẫn đến nhiều bệnh mắt nguy hiểm, thậm chí có thể mù hoàn toàn. Trong số đó có cả tăng nhãn áp (glaucoma) và viêm võng mạc sắc tố.
Vì beta-carotene có thể được chuyển thành vitamin A trong cơ thể, nên nó cũng có những tác dụng hữu ích tương tự như vitamin A mặc dù chậm hơn.
Beta-carotene thiên nhiên khác với beta-carotene tổng hợp ở chỗ nào?
Beta-carotene thiên nhiên gồm hai loại phân tử gọi là các đồng phân. Một đồng phân quan trọng là 9-cis beta-carotene, đồng phân kia là all-tran beta-carotene. Các đồng phân này đều có công thức phân tử giống nhau, nhưng cách sắp xếp của chúng trong không gian ba chiều lại khác nhau. Các đồng phân như vậy thường có những đặc tính sinh hóa học rất khác biệt. Ví dụ như, inositol (một loại vitamin nhóm B) và glucose là các đồng phân với nhau nhưng chúng lại đảm nhận những chức năng hoàn toàn khác biệt trong cơ thể.
Theo tiến sỹ Ami Ben-Amotz thuộc Viện nghiên cứu hải dương học quốc gia Israel, 9-cis beta-carotene là thành phần chống oxy hóa chủ yếu của beta-carotene. Trong khi đó, loại beta-carotene tổng hợp chỉ chứa loại đồng phân all-trans beta-carotene có khả năng chống oxy hóa rất thấp.
Chúng ta ít được nghe nói về 9-cis beta-carotene. Tại sao vậy? Cách phân tích thường dùng nhất cho sự hấp thu một dưỡng chất là đo lường nồng độ của nó trong máu, nhưng đối với 9-cis beta-carotene các chuyên gia gặp phải nhiều khó khăn. Một số 9-cis trong máu chuyển rất nhanh sang một dạng beta-carotene khác, trong khi một số 9-cis khác lại phân phối nhanh chóng vào trong mô nên rất khó đo lường với các kỹ thuật hiện nay. Tuy nhiên, 9-cis beta-carotene có thể bài tiết qua sữa, và người ta tin rằng đó có ý nghĩa hết sức quan trọng trong chức năng sinh hóa cũng như đối với các kỹ thuật đo lường của chất này.
Dùng chế phẩm beta-carotene như thế nào là tốt nhất?
Sử dụng hỗn hợp gồm nhiều loại carotenoid trong đó có beta-carotene sẽ có kết quả tác dụng tốt hơn nếu dùng riêng rẽ. Mặt khác, nên dùng cùng lúc kết hợp nhiều loại chế phẩm chống oxy hóa như vitamin E, vitamin C, selenium,...chúng có tác dụng cộng hợp hỗ trợ nhau giúp tăng tác dụng của từng dưỡng chất. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng việc phối hợp các chế phẩm bổ sung dinh dưỡng nêu trên với một chế độ ăn hợp lý giàu trái cây và rau xanh là mục tiêu lý tưởng cho sức khỏe của bạn.
Liều thường dùng của beta-carotene là bao nhiêu?
Hầu hết các chuyên gia đều đề nghị sử dụng beta-carotene với liều khoảng 15mg mỗi ngày cho người trưởng thành, tương đương 25.000 IU. Tại sao lại có sự không thống nhất về đơn vị đo lường như vậy? Nguyên nhân bởi vì nhiều năm trước đây, người ta chỉ biết đến beta-carotene như một tiền vitamin A, trong khi vitamin A luôn được đo lường bằng Đơn vị quốc tế (IU) nên beta-carotene cũng được tính bằng đơn vị tương đương. Ngày nay người ta đã phát hiện thêm ở beta-carotene đặc tính chống oxy hóa quý báu hoàn toàn độc lập với vitamin A, nên nhiều công ty đã sử dụng đơn vị miligram thay cho IU.
Hơn nữa, các loại carotenoid khác như lutein và lycopene không thể chuyển đổi thành vitamin A trong cơ thể nên chúng luôn được tính bằng đơn vị mg.
Dùng chế phẩm carotenoid liều cao có tác dụng phụ gì không?
Nếu bạn uống beta-carotene hay những loại carotenoid khác với liều rất cao trong nhiều tháng, bạn có thể thấy lòng bàn tay và bàn chân có màu hơi vàng. Tác dụng phụ này hoàn toàn vô hại, ngoại trừ về mặt thẩm mỹ. Nếu bạn cảm thấy màu vàng này gây phiền phức cho mình, bạn có thể giảm liều hoặc ngưng sử dụng carotenoid trong một hai tháng, sau đó dùng trở lại với liều thấp hơn.
Nếu bạn hút nhiều thuốc lá hay uống nhiều bia rượu, tốt nhất bạn nên sử dụng thêm các chế phẩm bổ sung beta-carotene và các chất chống oxy hóa khác như vitamin E, vitamin C, và selenium,...
Có nên dùng carotenoid cùng với những sinh tố và khoáng chất khác không?
Các dưỡng chất hoạt động tốt nhất khi chúng ở trong một nhóm hay một hệ thống toàn diện. Điều này có nghĩa là các carotenoid có thể và cần phải sử dụng phối hợp với nhiều vitamin và khoáng chất khác. Tốt nhất bạn nên dùng những chế phẩm dinh dưỡng đa sinh tố và khoáng chất, trong đó có carotenoid.
KẾT LUẬN
Các carotenoid làm cho cuộc sống của chúng ta giàu có hơn, phong phú hơn nhờ vào màu sắc và những lợi ích quan trọng của nó trên sức khỏe. Có hàng loạt carotenoid trong thiên nhiên, và không có gì phải nghi ngờ, cách tốt nhất để có được chúng là sử dụng một chế độ ăn nhiều trái cây, rau quả và những thực phẩm nguồn gốc từ thực vật. Thật không may, rất nhiều người trong chúng ta hiện nay vẫn chưa thực hiện được chế độ ăn như vậy – cho họ và cho con cái của họ. Họ đã bỏ lỡ những dưỡng chất thiết yếu mà thiên nhiên ban tặng.
Ngoài beta-carotene là loại carotenoid phổ biến nhất trong thực phẩm, còn có nhiều loại carotenoid khác có giá trị cho sức khỏe như lutein, lycopene, alpha-carotene, cryptoxanthin, astaxanthin,...mà chúng ta sẽ có dịp bàn đến trong một dịp khác.
Tất cả các carotenoid đều là thành phần nền tảng trong chế độ ăn của loài người trải quả hàng triệu năm tiến hóa. Cho nên, bạn cần xây dựng cho mình một chế độ dinh dưỡng hợp lý với đầy đủ trái cây và rau quả. Trong trường hợp bạn không ăn được hay ăn không đúng những thực phẩm giàu carotenoid, bạn có thể sử dụng thêm các chế phẩm bổ sung, tốt nhất là các đa sinh tố và khoáng chất trong đó có carotenoid.