Dược liệu sạch, hướng đi tất yếu

Dược liệu sạch, hướng đi tất yếu

Thời gian gần đây, nguy cơ cạn kiệt nguồn dược liệu, nguy cơ về dược liệu không an toàn, nguy cơ thiếu tri thức về phát triển, bảo tồn, sử dụng dược liệu đang được cảnh báo rõ nét. Từ đó gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh và kêu gọi mọi người góp sức trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nguy cơ này một phần gây ra những thách thức nhất định cho các DN dược trong khâu sử dụng dược liệu nhưng cũng cho thấy tương lai “lên ngôi” của dược liệu sạch trong thời gian tới.

Dược liệu sạch, hướng đi tất yếu

Thời gian gần đây, nguy cơ cạn kiệt nguồn dược liệu, nguy cơ về dược liệu không an toàn, nguy cơ thiếu tri thức về phát triển, bảo tồn, sử dụng dược liệu đang được cảnh báo rõ nét. Từ đó gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh và kêu gọi mọi người góp sức trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nguy cơ này một phần gây ra những thách thức nhất định cho các DN dược trong khâu sử dụng dược liệu nhưng cũng cho thấy tương lai “lên ngôi” của dược liệu sạch trong thời gian tới.

Sạch từ A đến Z

Là DN tiên phong trong việc xây dựng một số quy trình sản xuất dược liệu sạch và chế biến sạch để bào chế một số chế phẩm chất lượng cao” thông qua việc hoàn tất thành công các đề tài khoa học liên quan, CTCP Traphaco đang từng bước đến gần hơn với hình ảnh của DN phát triển các vùng dược liệu sạch tại Việt Nam. Đề tài đã mở ra một hướng mới trong việc sản xuất, chế biến, bảo quản, sử dụng dược liệu sạch, an toàn, đồng thời cũng góp phần bảo vệ môi trường. Đây là tiền đề để sản xuất các sản phẩm từ dược liệu sạch, an toàn, hiệu quả. Kết quả của đề tài đã và đang được ứng dụng để sản xuất một số sản phẩm như cao actiso, viên bao đường Boganic, Hoạt huyết dưỡng não, viên Sáng mắt ...

Trong công tác nghiên cứu tái tạo, bảo tồn nguồn dược liệu, ngoài các dược liệu đã được trồng phổ biến, Công ty đã và đang góp phần phát triển một số dược liệu thế mạnh của từng địa phương, trước hết tạo ra trữ lượng và chất lượng ổn định phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh của công ty.

Công ty đã mạnh dạn đề xuất và đã được Nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài cấp Nhà Nước “Nghiên cứu trồng cây Chè dây an toàn làm nguyên liệu phục vụ sản xuất thuốc Ampelop và các chế phẩm phòng, điều trị bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng”.

Nghiên cứu chế biến đảm bảo an toàn và hiệu lực của thuốc luôn được công ty chú trọng. Ô đầu –Phụ tử là vị thuốc quý trong đông y nhưng có độc tính cao. Công ty đã phối hợp với các nhà khoa học thực hiện đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu chế biến Phụ tử và cao Phụ tử từ cây Ô đầu Sa Pa để chế tạo thuốc Bát vị Quế Phụ” nhằm thu được sản phẩm an toàn, hiệu quả. Kết quả cho thấy Phụ tử sau khi chế có độ an toàn cao, tác dụng cường tim tốt, hàm lượng các alcaloid có độc tính cao nhóm diester alcaloid như aconitin đều giảm xuống đáng kể. Lần đầu tiên, Công ty đã bào chế bài thuốc Bát vị Quế Phụ dạng viên nang cứng, hiện đại hóa dạng bào chế cổ truyền, cho sản phẩm an toàn, hiệu quả.

Có thể thấy, việc dược liệu sạch không chỉ tạo ra những sản phẩm (dược phẩm) có chất lượng, an toàn và hiệu quả (tiêu chuẩn vệ sinh cao) mà còn làm tăng thu nhập cho người trồng, phục vụ tốt hơn cho công tác phòng chữa bệnh cho nhân dân, cũng là góp phần nâng cao uy tín của doanh nghiệp.

Theo bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Traphaco, để có được dược liệu sạch, ngoài khâu chọn giống, chọn đất, nuôi trồng, chăm sóc thì thời vụ, thu hoạch, phương pháp thu hái, chế biến, bảo quản giữ vai trò quan trọng, quyết định chất lượng dược liệu. Tất cả các khâu này phải được tiến hành đồng bộ. Phát triển dược liệu sạch một cách đồng bộ đòi hỏi phải quy hoạch được vùng nuôi trồng thích hợp có thổ nhưỡng, khí hậu, sinh thái phù hợp nhằm đạt được dược liệu có năng suất cao, chất lượng tốt, hiệu quả và đạt được các chỉ tiêu sạch. Do vậy, việc triển khai dược liệu sạch sẽ được tiến hành tại nhiều địa phương. Điều đó không những đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật về các địa phương mà còn góp phần xoá đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho nhân dân các vùng trồng dược liệu.

Ngoài ra, để có được dược liệu sạch khâu bảo quản cũng rất quan trọng. Vì vậy, cùng với việc nghiên cứu các chế biến, kiểm tra các chỉ tiêu dược liệu sạch, chỉ tiêu về độ an toàn các nhà khoa học Cty CP Traphaco đã nghiên cứu tìm ra phương pháp bảo quản phù hợp đối với cúc hoa, bạch chỉ và actiso. Cũng với phương pháp xông sinh truyền thống, họ đã tìm ra hàm lượng phù hợp cho từng loại cây không để lại lượng tồn dư lưu huỳnh trong dược liệu, khiến cho chất lượng dược phẩm được đảm bảo.

Song song với những hoạt động trên, Traphaco cũng tiến hành khảo sát quy hoạch vùng trồng thuốc với những yếu tố thổ ngưỡng, khí hậu, sinh thái, phương pháp thu hái. Các cuộc khảo sát được tiến hành ở Vĩnh Phúc, Hà Tây, Lào Cai, Yên Bái, Lâm Đồng...nhằm đảm bảo hiệu quả, đảm bảo các chỉ tiêu sạch của dược liệu.

Ước mơ xã hội hóa dược liệu sạch

Mới đây nhất, Công ty đã chính thức ra mắt đã chính thức ra mắt bộ nhận diện cây thuốc Củ mài và vị thuốc Hoài sơn”. Đây là 1 trong số 15 dự án nhận được tài trợ của “Chương trình Ngày sáng tạo Việt Nam 2011”, được sự tài trợ của WB. Hiện, vị thuốc hoài sơn chiếm 70% bài thuốc y học cổ truyền của Việt Nam. Còn tại Traphaco, cây củ mài là dược liệu quý, thành phần quan trọng tạo nên các sản phẩm dược chủ lực của Traphaco. Bởi vậy, việc nhận định thương hiệu cây củ mài nhằm phân biệt rõ củ mài thật và củ mài giả giúp cho công tác chăm sóc sức khỏe người dân được tốt hơn.

Phát triển dược liệu sạch là nhu cầu tất yếu đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dược nếu muốn từng bước hiện đại hóa và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài; nó cũng góp phần giải quyết vấn đề bức xúc của thời đại hiện nay là môi trường. Hy vọng ước mơ xã hội hóa dược liệu sạch của Thạc sĩ Vũ Thị Thuận sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực để sức khỏe của người dân Việt Nam ngày càng được chăm sóc, bảo vệ tốt hơn; từ đó góp phần giảm chi phí cho người tiêu dùng.

Tâm Như

Nguồn: Dược liệu sạch, hướng đi tất yếu

Bài liên quan