Sự hiểu biết về tác dụng bất lợi của thuốc với chức năng sinh dục sẽ giúp cả thầy thuốc và bệnh nhân có sự thận trọng cần thiết khi dùng thuốc, tránh để sự suy giảm sinh dục kéo dài...
Một số thuốc gây giảm chức năng sinh dục
Có nhiều loại thuốc làm giảm chức năng sinh dục. Dưới đây chỉ nêu một số thuốc thường dùng chữa các bệnh nội khoa
Nhóm thuốc hướng tâm thần
-Thuốc chữa loạn thần: clorpromazin, duy trì tăng tiết prolacin làm tăng tiết sữa, gây rối loạn kinh nguyệt, gây to vú ở đàn ông, làm rối loạn chức năng sinh dục ở cả nữ và nam. Butyrophenon, thioridazin gây rối loạn phóng tinh đôi khi gây rối loạn cương và rối loạn cực khoái.
- Thuốc gây ngủ, an thần: Nhóm barbuturic (gardenal) gây rối loạn cương ở nam, rối loạn cực khoái ở nữ. Nhóm benzodiazepam (librium) gây ức chế hệ thần kinh trung ương và ức chế chức năng sinh dục.
Nhưng một số người bị ức chế chức năng sinh sinh dục do lo âu, thiếu tự tin, thì có thể dùng thuốc an thần seduxen để chữa.
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng: amitriptylin, protriptylin, imipramin làm giảm ham muốn, giảm cương dương, ức chế sự phóng tinh. Cloripramin làm giảm ham muốn, làm chậm phóng tinh, gây liệt dương. Tuy nhiên tác dụng làm chậm phóng tinh có khi lại được dùng cho những người bị xuất tinh sớm.
- Thuốc chống trầm cảm (IMAO): phenelzin, tranylcypromin, isocarboxazil ức chế, làm chậm phóng tinh, khó duy trì sự cương ở nam, giảm chất nhờn âm đạo ở nữ, làm cho việc sinh hoạt tình dục khó, không đạt đến điểm cực khoái.
Thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương
Ngoài thuốc ngủ, an thần (nói trên), các thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương khác điển hình là rượu và các chất ma túy cổ điển, các chất ma túy mới (estasy) đều ức chế chức năng sinh dục.
- Với rượu: Lúc đầu trung tâm ức chế của vỏ não bị rượu ức chế nên nói nhiều (rượu vào lời ra), vận động không được kiềm chế và điều chỉnh (hoa chân múa tay, đi đứng mất thăng bằng), giãn mạch (mặt nóng bừng nhưng thực tế sẽ làm hạ thân nhiệt do thoát nhiệt ra ngoài).
Những biểu hiện này làm cho người ta hiểu lầm là rượu gây kích thích, sảng khoái làm tăng hoạt động tình dục song thực tế ngay lúc đó nếu có hoạt động sinh dục thì cũng không mạnh hơn. Sau đó, sự ức chế lan toả ra khắp vùng não, ức chế luôn cả chức năng sinh dục.
- Với ma túy cổ điển: morphin, cao hay nhựa thuốc phiện (chứa morphin), heroin (chất tổng hợp, dẫn chất của morphin). Lúc đầu thuốc có giai đoạn hưng phấn làm cho người nhẹ lâng lâng, nghe mọi tiếng động tiếng nói đều thích, dễ chịu.
Tất cả cảm giác thú vị này khêu gợi sự ham muốn đến với ma tuý nhưng sau đó tất cả các loại ma túy cổ điển đều ức chế hệ thần kinh trung ương và ức chế chức năng sinh dục.
- Với ma túy mới (estasy): Amphetamin và dẫn chất của amphetamin, lúc đầu làm cho người dùng tỉnh táo (chỉ đỡ buồn ngủ, chứ không phải làm tăng trí nhớ, sáng suốt), mạnh dạn trong giao tiếp, muốn sống hết mình.
Điều này làm cho giới trẻ thích, song sau đó gây ức chế, làm mệt mỏi (ngủ li bì sau khi hoan lạc) và làm giảm chức năng sinh dục.
Thuốc tim mạch, huyết áp: Thuốc hạ huyết áp đồng thời là thuốc chống loạn nhịp như thuốc chẹn beta (propanolol), thuốc chẹn calci (verapamin), các thuốc chữa tăng huyết áp tác dụng theo cơ chế ức chế giao cảm (guanethidin, reserpin, alpha- methyl dopa) có làm giảm chức năng sinh dục nhưng chỉ xuất hiện số ít người dùng.
Một số thuốc khác (như disopyramid) làm giảm cương.
Thuốc lợi tiểu: Thuốc lợi tiểu kháng andosteron (spirolacton), thuốc lợi tiểu thiazid ( hypothiazid), lợi tiểu quai (furosemid) đều làm giảm chức năng sinh dục.
Làm gì để hạn chế tác dụng bất lợi?
Sự gây giảm chức năng sinh dục chỉ là một tác dụng không mong muốn, chỉ có trong khi dùng thuốc, mất dần đi khi nồng độ thuốc trong máu giảm, hết hẳn khi thuốc bị thải hoàn toàn. Nghĩa là, trong đa số trường hợp, chức năng sinh dục sẽ được phục hồi.
Một cách thông thường hạn chế tác dụng không mong muốn này là căn cứ vào thời gian tác dụng của thuốc để xác định thời điểm dùng thích hợp (nếu có thể được thì dùng cách xa thời điểm sinh hoạt tình dục).
Buổi sáng huyết áp cao, buổi chiều huyết áp thấp. Người bị tăng huyết áp, nếu dùng thuốc hạ huyết áp hằng ngày vào buổi sáng và sinh hoạt tình dục vào đêm thì không thấy thuốc có ảnh hưởng gì đến chức năng sinh hoạt tình dục.
Những người khó kích thích sự ham muốn, khó kích thích sự cương dương nên tránh dùng các thuốc hướng tâm thần, thuốc ngủ an thần, thuốc làm suy yếu hệ thần kinh trung ương. Những người có rối loạn phóng tinh (nam), khó đạt cực khoái (nữ) nên tránh dùng thuốc IMAO, thuốc chống loạn thần.
Những người khó tiết chất nhờn (nữ), liệt dương (nam) nên tránh dùng các thuốc thuốc IMAO, thuốc ức chế giao cảm.
Nếu vì bệnh bắt buộc phải dùng lâu dài một số thuốc (như thuốc hướng tâm thần, IMAO) mà thấy xuất hiện sự giảm chức năng sinh dục thì vẫn tiếp tục liệu trình điều trị, không cần chữa, ở thời điểm bệnh ổn định giảm liều hoặc ngừng thuốc thì tác dụng không mong muốn này sẽ tự hết.
Không nên nghiện rượu, ma tuý vì chúng gây suy giảm nhiều chức năng hoạt động của cơ thể, suy giảm sức khoẻ toàn diện, từ đó gây suy giảm chức năng sinh dục lâu dài.
Theo DS. Bùi Văn Uy
Sức khỏe & Đời sống