Hai nguyên nhân dẫn đến sa sút trí tuệ

Những thương tổn lan tỏa trong não gây ra tình trạng sa sút trí tuệ được ghi nhận bằng máy cộng hưởng từ (MRI)

Các phương pháp chẩn đoán bệnh Alzheimer hiện đại

1. PET (Positron emission tomo - Cắt lớp Positron phát xạ): Dùng phóng xạ phát xạ Positron não để xác định bệnh.

2. Xét nghiệm máu tìm chất chỉ điểm là não bị thoái hóa biến ra chất Amyloid. (Xét nghiệm tên là M266 do nồng độ chất Amyloid rất cao trong máu người có bệnh).

3. Xét nghiệm di truyền tìm ra gien APOE-4.

4. MRI (Cộng hưởng từ): Tìm ra dấu gián tiếp của bệnh Alzheimer từ sự teo não.

5. Tìm ra trong máu chất CCR1 trên bạch cầu chỉ điểm rất sớm tình trạng bệnh (+).

(Nguồn: Trung tâm Chẩn đoán Y khoa TPHCM)

Alzheimer là bệnh gây tổn thương tế bào thần kinh ở vỏ não và những cấu trúc xung quanh làm sa sút trí nhớ, giảm phối hợp vận động, giảm cảm giác, cảm nhận sai,... cuối cùng là mất trí nhớ và chức năng tâm thần. Nếu ở phương Tây, sa sút trí tuệ phần lớn do Alzheimer thì ở chấu Á, trong đó có VN, bệnh chủ yếu do vấn đề mạch máu.

Alzheimer là bệnh gây tử vong ở người lớn đứng hàng thứ 4 hiện nay, có khoảng 4 triệu người Mỹ và hơn 8 triệu người trên thế giới mắc bệnh. Tại VN, bệnh Alzheimer còn mới mẻ, chưa có công trình khảo sát về bệnh này. Trong năm nay, chỉ riêng Khoa Lão Bệnh viện Nguyễn Trãi đã phát hiện khoảng 100 trường hợp sa sút trí tuệ chủ yếu do vấn đề mạch máu. Những yếu tố sau đây góp phần tăng khả năng mắc bệnh Alzheimer:

Tuổi: Đây là yếu tố nguy cơ lớn nhất cho bệnh, bắt đầu từ tuổi 65 thì mỗi 5 năm có gấp đôi số ca bị Alzheimer. Vào tuổi 85 thì có phân nửa bị bệnh Alzheimer.

Giới tính: Phụ nữ dễ bị bệnh hơn nam giới.

Dân tộc: Các dân tộc có tần suất mắc bệnh Alzheimer khác nhau. Nhóm người da trắng ít mắc bệnh hơn người Mỹ gốc Phi. Dân châu Á cũng ít mắc bệnh hơn nơi khác. Người ta cho rằng do ảnh hưởng của yếu tố môi trường, người Nhật sống tại Mỹ có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn hẳn so với những người sống tại Nhật.

Cao huyết áp và tăng cholesterol máu: Nhiều nghiên cứu cho thấy người có huyết áp tâm thu cao hoặc tăng cholesterol máu sẽ có nguy cơ cao bị Alzheimer.

Hội chứng Down: Người bị chứng này sẽ bị Alzheimer khi sống đến 40 tuổi và những bà mẹ sinh con bị Down sẽ có nguy cơ cao bị Alzheimer.

Mất trí nhớ là triệu chứng phổ biến ở tất cả người lớn tuổi, nhưng trong Alzheimer có một số triệu chứng cần quan tâm:

  • Mất trí nhớ hoàn toàn;
  • Mất tập trung tư tưởng;
  • Sụt cân không giải thích được;
  • Khó khăn trong việc đi đứng.

Những triệu chứng này có thể gặp ở người khỏe mạnh bị lão hóa trong tình trạng: mệt mỏi, lo lắng nhiều, dùng rượu, mờ mắt, lãng tai... Tuy nhiên, bác sĩ chuyên khoa có thể phân biệt được triệu chứng này trên người bình thường hay bệnh Alzheimer. Chẳng hạn người già không giảm kỹ năng ngôn ngữ, nhưng người bị Alzheimer lại giảm (khó khăn trong việc hoàn thành câu hoặc tìm một từ đúng, không hiểu nghĩa của từ, giao tiếp không hoạt bát). Người già không giảm khứu giác nhưng người Alzheimer bị giảm nên hay có sụt cân nhiều, đặc biệt là phụ nữ. Người già bình thường cũng giận dữ, buồn vui nhưng thoáng qua và có nguyên cớ còn người bệnh Alzheimer thì thay đổi tâm thần không dự đoán được, không hứng thú với xung quanh...

Ngoài khám bệnh, bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh Alzheimer dựa trên điện não đồ, hình ảnh học (CT, MRI, SPECT, PET,...), xét nghiệm máu, dịch não tủy, test thử khứu giác...

(BS Bùi Minh Trạng

)

Có thể điều trị, phòng ngừa Alzheimer?

Dù có nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới nhằm làm giảm nguy cơ của bệnh Alzheimer, nhưng đến nay chưa có điều gì được chứng minh và được công nhận vì nguyên nhân chính yếu gây bệnh chưa được biết đến.

Những cách thức điều trị mới nhất

Cho đến nay chưa có thuốc nào được công nhận điều trị hiệu quả bệnh Alzheimer. Phần lớn nhằm mục đích làm bệnh tiến triển chậm.

Thuốc bảo vệ hệ thống cholinergic: Thuốc bảo đảm cho việc vận chuyển tín hiệu thần kinh, tuy nhiên thuốc không tác động đến tác nhân gây bệnh là beta amyloid nên tế bào thần kinh vẫn bị phá hủy. Nhóm thuốc này đều có tác dụng phụ trên đường tiêu hóa (chủ yếu buồn nôn), gồm: Donepezil, Rivastigmin, Galantamine, Tacrine.

Thuốc kháng viêm không steroid.

Nicotine: Hỗ trợ cho hoạt động của hệ thống cholinergic. Người hút thuốc lá có ít nguy cơ bị Alzheimer hơn tuy nhiên lại gặp nguy cơ ung thư phổi.

Các thuốc khác: Ginkgo biloba, turmeric, melatonin, thuốc chống ôxy hóa,...

. Điều trị triệu chứng bệnh Alzheimer: Chống trầm cảm, tâm lý liệu pháp, chống rối loạn giấc ngủ,...

Chế độ ăn uống

  • Ăn dầu mỡ: Người Nigeria ăn ít mỡ thì tỉ lệ bị Alzheimer chỉ 1% ở tuổi 65 so với 5% ở Mỹ.
  • Rau quả sậm màu: Sẽ có tác dụng bảo vệ não chống lại sự lão hóa.
  • Đậu nành: Có chứa một thành phần giống estrogen. Đậu nành đặc biệt tốt cho phụ nữ sau mãn kinh.
  • Rượu: Nếu dùng lượng tương đối (một đến hai ly/ngày) thì có tác dụng tốt bảo vệ não nhưng nếu dùng quá liều lượng sẽ gây hại.
  • Folate và vitamin B12: Sẽ làm giảm hemocysteine (chất làm tăng nguy cơ Alzheimer và bệnh tim mạch).
  • Vitamin chống ôxy hóa: Chủ yếu là vitamin E và C, chống sự giải phóng gốc tự do làm tổn thương tế bào.
  • Tập thể dục: Cho thấy làm giảm nguy cơ bị bệnh Alzheimer khi nghiên cứu trên số lượng lớn người lớn tuổi và trong thời gian dài.
  • Vắc-xin: Người ta dùng vắc-xin kích thích cơ thể tạo ra kháng thể đặc hiệu tiêu hủy các phân tử beta amyloid. Đây là một cách phòng ngừa tốt nhất nếu nghiên cứu thành công.

Thạc sĩ - bác sĩ Phan Hữu Phước, Trưởng Khoa Lão học, bệnh viện Nguyễn Trãi:

Hãy đi khám nếu cảm thấy trí nhớ giảm sút

Phóng viên: Thưa bác sĩ, phải chăng tất cả những trường hợp sa sút trí tuệ đều do bệnh Alzheimer?

- Thạc sĩ - bác sĩ Phan Hữu Phước: Theo hiểu biết của tôi, có hai nguyên nhân chính gây nên tình trạng sa sút trí tuệ: Do bệnh Alzheimer, hoặc do nguyên nhân mạch máu. Điều đáng lưu ý là ở châu Âu, châu Mỹ, tỉ lệ bệnh nhân sa sút trí tuệ thuộc loại Alzheimer chiếm 60%-70%; 15%-20% trường hợp xuất phát từ nguyên nhân mạch máu, hay còn gọi là sa sút trí tuệ do nhiều ổ nhồi máu não. Trong khi đó ở châu Á gần như ngược lại: 60%-70% người mắc bệnh là do vấn đề mạch máu, phần còn lại do Alzheimer hoặc phối hợp cả hai và một số nguyên nhân khác.

Có cách nào tránh sự nhầm lẫn bởi hai nguyên nhân trên?

- Phải dựa vào tiêu chuẩn chẩn đoán. Chẳng hạn, chỉ gọi là bệnh Alzheimer khi bệnh nhân có đủ các tiêu chuẩn chẩn đoán sa sút trí tuệ (suy giảm trí nhớ và rối loạn một hay nhiều hoạt động nhận thức) nhưng không phải do các nguyên nhân bệnh lý khác như: tai biến mạch máu não, bệnh Parkinson, não úng thủy, u não... hay như: nhược giáp, thiếu vitamin B12 và acid folic, tăng canxi máu, giang mai thần kinh, HIV... Còn bệnh nhân sa sút trí tuệ do nguyên nhân mạch máu cần phải kèm theo tình trạng yếu liệt cơ, rối loạn cảm giác, rối loạn phản xạ... và hình ảnh học ghi nhận bệnh lý mạch máu não.

Có cần thiết phải đi chẩn đoán tình trạng sa sút trí tuệ giai đoạn sớm? Nếu cần thì các bác sĩ dựa vào những tiêu chuẩn nào?

- Nên nhớ rằng 50% các trường hợp sa sút trí tuệ giai đoạn sớm sẽ chuyển thành sa sút trí tuệ trong vòng 3 năm. Người hay than phiền về trí nhớ hoặc trí nhớ có giảm so với tuổi tác là những dấu hiệu có thể dựa vào để chẩn đoán, tuy bề ngoài họ vẫn có vẻ bình thường, khó phát hiện.

Một người sa sút trí tuệ nhập viện thường biểu hiện ra sao và gặp những khó khăn gì?

- Vừa mới đây, chúng tôi có theo dõi điều trị cho hai trường hợp: Một bệnh nhân nữ, 52 tuổi, bị nhũn não lần hai, cao huyết áp độ 3; trường hợp kia cũng là nữ, 74 tuổi, được chẩn đoán sa sút trí tuệ giai đoạn sớm, có biểu hiện lão suy và rối loạn lipid máu. Nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng ăn uống không được, yếu liệt nửa người, thường nuốt bị sặc phải đặt ống, tiểu không tự chủ. Trung bình, bệnh nhân được theo dõi điều trị từ 2-3 tuần, lâu hơn thì từ 4-6 tuần sẽ xuất viện.

Đâu là nguyên nhân của bệnh ?

- Nguyên nhân sâu xa vẫn là dấu hỏi của các nhà bệnh lý học. Nhưng cũng có thể đề cập một số nguyên nhân trực tiếp như do yếu tố sinh học của não, yếu tố gien, tình trạng giảm hormone sinh dục nữ, yếu tố môi trường...

Bằng cách nào có thể ngăn ngừa sự sa sút trí tuệ do vấn đề mạch máu?

- Có những thói quen sinh hoạt ảnh hưởng xấu đến mạch máu não như hút thuốc lá, uống rượu nhiều, thiếu vận động, kể cả ăn thức ăn nhiều muối... Thay đổi những thói quen như vậy thường là không dễ, nhưng dẫu sao nó vẫn dễ hơn việc phải chấp nhận tình trạng sa sút trí tuệ, thậm chí sa sút quá sớm, khi mỗi người còn nhiều điều ấp ủ cho tương lai.

Xin cảm ơn bác sĩ!

Bài liên quan

©2002-2024. Copyright by Sức Khỏe Cộng Đồng. Quản trị nội dung: BSCK2 Phạm Xuân Hậu.
Template by JoomShaper