Lậu

Bệnh lậu là gì?

Lậu là một bệnh có khả năng lây truyền qua đường tình dục rất cao, là một trong 10 bệnh phổ biến nhất Hoa Kỳ hiện nay, với ước tính khoảng 650.000 người Hoa Kỳ bị bệnh này mỗi năm.

Bệnh lậu thường đặc trưng bởi triệu chứng chảy mủ từ dương vật hay âm đạo, tuy nhiên có người không hề có triệu chứng gì.

Nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn lậu Neisseria gonorrhoeae, còn gọi là lậu cầu khuẩn gonococus. Bệnh lây lan do quan hệ tình dục không an toàn, giao hợp với người đã bị nhiễm khác giới hoặc đồng giới. Quan hệ tình dục với càng nhiều người, nguy cơ mắc bệnh lậu của bạn càng cao. Phụ nữ mắc bệnh lậu có thai có thể lây cho con trong quá trình sanh. Những tiếp xúc bình thường không làm lây lan bệnh này.

Tỷ lệ mắc bệnh lậu ở nữ trưởng thành cao hơn nam giới, đặc biệt cao hơn ở các bé gái từ 10-14 tuổi so với các bé nam cùng tuổi. tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là ở nữ 15-24 tuổi.

Dấu hiệu và triệu chứng

Các triệu chứng bệnh lậu có thể gồm:

  • Mủ đặc, đục chảy ra từ dương vật hay âm đạo
  • Tiểu đau hoặc cảm giác bỏng rát
  • Tiểu lắt nhắt nhiều lần
  • Đau khi giao hợp

Ở nam giới, triệu chứng điển hình thường xuất hiện trong khoảng 1 ngày đến 2 tuần – nhất là từ 2-5 ngày sau khi nhiễm lậu cầu khuẩn. Đầu tiên bạn có cảm giác ngứa ngáy ở niệu đạo – đường dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài. Vài giờ sau, bạn tiểu rất đau và thấy mủ chảy ra từ lỗ đáo dương vật. Khi tình trạng nhiễm trùng tiến triển, triệu chứng đau buốt khi tiểu càng nặng và mủ chảy ra càng nhiều và đặc hơn.

Ở phụ nữ các triệu chứng khởi đầu có thể xuất hiện sau 1-3 tuần, với triệu chứng thường rất nhẹ khó phát hiện. Thường bạn chỉ có thể nghi ngờ mình bị nhiễm sau khi người phối ngẫu khởi phát triệu chứng lậu. Cổ tử cung và niệu đạo là những nơi thường bị ảnh hưởng nhất. Một số phụ nữ cũng có triệu chứng tiểu đau buốt rát, và chảy mủ từ lỗ niệu đạo hoặc âm đạo, còn lại hơn 50% chỉ có triệu chứng chảy mủ ít từ âm đạo.

Biến chứng

Nếu bạn không điều trị đúng và kịp thời, bệnh lậu có thể gây ra các biến chứng sau:

  • Viêm tinh hoàn. Nếu không điều trị bằng kháng sinh mạnh và giảm đau, viêm tinh hoàn có thể dẫn đến vô sinh.
  • Viêm vùng chậu. Ở nữ, vi khuẩn lậu có thể lan tràn theo tử cung, vòi trứng, gây ra bệnh cảnh viêm vùng chậu, có thể gây hậu quả sẹo xấu vòi trứng, một trong những nguyên nhân hàng đầu của thai ngoài tử cung. Viêm vùng chậu có thể gây đau bụng, đau lưng, chu kỳ kinh nguyệt bất thường, giao hợp đau và chảy mủ hôi từ âm đạo. Viêm vùng chậu là một nhiễm trùng nặng cần phải được điều trị ngay. 10-40% phụ nữ bị lậu có biến chứng viêm vùng chậu.
  • Lậu hậu môn-trực tràng, là hậu quả của giao hợp qua ngã hậu môn từ một người bị lậu sinh dục. Thường bệnh nhân không có triệu chứng, đôi hki chỉ cảm thấy khó chịu hoặc chảy mủ từ hậu môn.
  • Kích thích họng và tuyến amidan, do quan hệ tình dục qua đường miệng, gây đau hịng, nuốt đau và sưng đỏ vòm họng, amidan.
  • Viêm mắt. Nếu vi khuẩn lan truyền vào mắt do tiếp xúc, mắt có thể bị viêm, đau, sưng đỏ. Trẻ sơ sinh có thể bị lây từ đường sinh dục của mẹ bị nhiễm lậu cầu trong quá trình sinh. Lậu mắt có thể gây mù.
  • Nhiễm trùng máu. Vi khuẩn lậu có thể theo máu trong hệ tuần hoàn lan tràn và gây nhiễm ở nhiều cơ quan khác trong cơ thể bạn. Sốt, nổi mẩn, đau cứng khớp là các triệu chứng thường gặp.

Điều trị

Thường các bác sĩ sẽ dùng các loại kháng sinh để điều trị bệnh này. Tuy nhiên, bởi vì càng ngày càng có nhiều chủng vi khuẩn kháng thuốc nên nhất thiết bạn phải thực hiện đúng và đầy đủ tiến trình điều trị hoàn chỉnh. Các thuốc giảm đau chỉ điều trị triệu chứng đau buốt, rát khi đi tiểu mà không thể tiêu diệt trực tiếp vi khuẩn gây bệnh.

Phòng ngừa

  • Bạn nên dùng bao cao su khi quan hệ tình dục với nhiều người. Bệnh lậu rất dễ lây nhiễm ngay cả ở những người không có triệu chứng.
  • Nếu bạn đã bị nhiễm lậu, hãy tránh quan hệ tình dục trước khi được điều trị bằng kháng sinh và quá trình điều trị chấm dứt. Bạn vẫn có thể tiếp tục bị nhiễm lậu trở lại vì vi khuẩn lậu không gây được đáp ứng miễn dịch vĩnh viễn.
  • Cần thăm khám ở bác sĩ thường xuyên sau khi được điều trị bằng kháng sinh để đảm bảo rằng vi khuẩn lậu đã bị tiêu diệt hoàn toàn.

Bài liên quan

Viêm phế quản mạn tính
Viêm khớp
Viêm mũi dị ứng
Viêm gan