Viêm gan siêu vi B

Viêm gan siêu vi B (VGSV B) là một bệnh lý nhiễm trùng gan nặng gây ra bởi virus viêm gan B (Hepatitis B virus: HBV). Hiện nay có đến hơn 1 tỷ người trưởng thành bị nhiễm HBV trên toàn thế giới.

HBV lây truyền qua đường máu và các dịch của cơ thể từ những người đã bị nhiễm – con đường tương tự như virus HIV gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải AIDS.

Khả năng lây nhiễm HBV cao hơn 100 lần so với HIV. Bạn có nhiều nguy cơ bị nhiễm HBV nếu đã từng được chích thuốc đường tĩnh mạch dùng chung kim chích với những người khác, quan hệ tình dục không dùng bao cao su với người đã bị nhiễm, hoặc bạn được sinh ra hay từng du lịch đến những vùng dịch tễ nơi HBV tràn lan. Thêm vào đó, mẹ bị nhiễm HBV có thể lây qua cho con trong lúc sinh.

Ở nhiều người, nhiễm HBV trở thành mạn tính và có thể dẫn đến xơ gan – một tình trạng tổn thương gan vĩnh viễn. Hàng nghìn người Việt Nam tử vong mỗi năm vì những bệnh lý có liên quan với VGSV B. Trong khi đó, HBV giết chết gần 1 triệu người mỗi năm trên toàn thế giới.

Hầu hết những người trưởng thành bị nhiễm HBV đều phục hồi hoàn toàn ngay cả những trường hợp có triệu chứng nặng. Trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ thường tiến triển thành nhiễm trùng mạn tính.

Hiện nay mặc dù chưa có liệu trình điều trị nào đối với VGSV B, nhưng các loại vaccine giúp ngăn ngừa bệnh rất hiệu quả. Vaccine ngừa VGSV B hiện được sử dụng rất rộng rãi cho phụ nữ có thai và cho các em bé. Người trưởng thành chưa từng chích vaccine và có nguy cơ cao bị nhiễm cũng cần dùng vaccine. Nếu bạn đã bị nhiễm HBV rồi, bạn cần phải biết một số biện pháp nhằm tránh sự lây lan cho những người khác.

Dấu hiệu và triệu chứng

Hầu hết các trẻ nhũ nhi và trẻ con khi bị nhiễm HBV không hề có triệu chứng. Người lớn khi nhiễm có khoảng một phần tư không có triệu chứng. Triệu chứng thường xuất hiện sau 4-6 tuần bị nhiễm, mức độ từ trung bình đến nặng. Có thể xuất hiện một hoặc nhiều các triệu chứng sau:

  • Chán ăn.
  • Buồn nôn, nôn.
  • Mệt mỏi, suy nhược.
  • Đau bụng, nhất là vùng quanh gan (ở ngay dưới bẹ sườn bên phải).
  • Vàng da, vàng tròng trắng mắt. Nguyên nhân vàng da do gan bị suy giảm chức năng đào thải Bilirubin, một sản phẩm chuyển hóa từ những tế bào hồng cầu già bị chết trong máu. Hậu quả là bilirubin tích tụ và lắng đọng ở da gây ra màu vàng.
  • Đau khớp.

VGSV B có thể gây tổn thương gan củas bạn và lây truyền qua những người khác ngay cả trong trường hợp bạn bị nhiễm mà không hề có triệu chứng. Đó là lý do tại sao bạn nhất thiết phải làm xét nghiệm chẩn đoán khi có nghi ngờ hoặc nguy cơ cao bị nhiễm.

Nguyên nhân

Gan định vị ở vùng hạ sườn phải (ngay bên dưới bẹ sườn bên phải của bạn). Là một tạng đặc lớn nhất trong cơ thể, gan phụ trách trên 500 chức năng sinh tồn khác nhau, bao gồm kiểm soát hầu hết các dưỡng chất được hấp thu từ ruột, chuyển hóa và đào thải thuốc, rượu và nhiều chất khác trong dòng máu có thể gây nguy hại cho cơ thể, sản xuất mật – một dịch chất màu xanh lá cây được dự trữ và cô đọng trong túi mật, có chức năng tiêu hóa và hấp thu chất béo. Gan còn chịu trách nhiệm sản xuất cholesterol, vitamin A, các yếu tố đông máu và một số loại protein quan trọng.

Chính vì vị trí và chức năng phức tạp như vậy mà gan là một trong những cơ quan bị phơi nhiễm rất cao trước các độc chất và rất dễ bị tổn hại. Tuy vậy, gan lại có một khả năng phục hồi và tái tạo đáng kinh ngạc – có thể tự sửa chữa và thay thế các mô bị tổn thương. Thêm vào đó, các tế bào bình thường còn lại sẽ tăng hoạt động bù trừ cho những tế bào bị tổn thương, liên tục hoặc cho đến khi tổn thương được sửa chữa. Tuy vậy, vẫn có nhiều bệnh lý gây tổn thương gan vĩnh viễn, trong đó có VGSV B.

Nhiễm HBV có thể là cấp tính – dưới 6 tháng – hoặc mạn tính, trên 6 tháng. Nếu bệnh cấp tính, hệ miễn dịch của bạn có thể quét sạch virus khỏi cơ thể và bạn có thể phục hồi hoàn toàn trong vòng vài tháng. Ngược lại, nếu hệ miễn dịch của bạn không thể tiêu diệt hết virus, chúng sẽ tồn tại trong cơ thể bạn cả đời và có khả năng gây ra nhiều bệnh lý nặng nề như xơ gan, ung thư gan.

Hầu hết những người trưởng thành bị nhiễm HBV là nhiễm virus cấp. Trẻ nhũ nhi và trẻ con không được may mắn như vậy. Gần 90% trẻ nhũ nhi bị nhiễm HBV trong năm đầu đời và 30-50% trẻ con bị nhiễm trong 4 tuổi đầu sẽ trở thành người nhiễm HBV mạn tính. Những trường hợp này thường hoàn toàn không biểu lộ triệu chứng gì trong 20-40 năm mãi cho đến khi xuất hiện các bệnh lý gan nặng nề.

HBV là một trong 6 loại virus gây VGSV được chính thức phát hiện cho đến thời điểm hiện tại: A, B, C, D, E, và G. Mỗi loại đều khác nhau về độ nặng và con đường lây truyền. HBV có thể lây truyền theo các con đường sau:

Lây nhiễm do dùng chung kim tiêm. HBV dễ dàng lây truyền qua kim và ống tiêm có máu người bị nhiễm. Vì vậy nên hạn chế tối đa dùng các loại thuốc chích và tốt nhất nên dùng kim và ống tiêm loại dùng một lần duy nhất.

Do tai nạn. Bạn bị kim hoặc các dụng cụ lấy máu và các sản phẩm từ máu những người bị nhiễm đâm chích. Để phòng ngừa những tai nạn như vậy, bạn cần chủng ngừa vaccine trước.

Lây truyền từ mẹ qua con. Mẹ có thai bị nhiễm HBV có thể truyển nhiễm cho con của họ. Nếu bạn đã bị nhiễm HBV, hãy chích một liều huyết thanh chứa kháng thể kháng HBV (H-BIG: Hepatitis B immune globulin) cho em bé ngay sau khi nó vừa được sinh ra, theo sau đó là một mũi đầu trong loạt 3 mũi vaccin chủng ngừa VGSV B, như vậy có thể giảm rất nhiều khả năng trẻ bị nhiễm HBV.

Quan hệ tình dục. Bạn có thể bị nhiễm HBV từ người phối ngẫu đã bị nhiễm nếu quan hệ tình dục bằng đường bình thường hoặc qua hậu môn hay bằng miệng nếu không có biện pháp bảo vệ. Máu và các chất dịch của cơ thể như nước bọt, tinh dịch hoặc dịch âm đạo đều chứa virus. HBV còn hiện diện trong nước mắt của người bị nhiễm và có thể lây cho bạn khi quan hệ tình dục.

Bạn chỉ bị nhiễm một khi máu và các dịch chất bị nhiễm HBV như tinh dịch, dịch tiết âm đạo hoặc nước bọt đi vào trong cơ thể bạn. Bạn không thể bị nhiễm từ những tiếp xúc thông thường như vuốt ve âu yếm, nhảy chung hay bắt tay nhau. Bạn cũng không thể bị nhiễm theo bất kỳ đường nào sau đây:

  • Tiếp xúc với mồ hôi hay nước mắt của người bị nhiễm bệnh.
  • Dùng chung bồn tắm, điện thoại, toalet bàn cầu ngồi với người bị nhiễm virus.
  • Hiến máu nhân đạo.

Yếu tố nguy cơ

Bất cứ người nào, độ tuổi, chủng tộc hay giới tính nào cũng có khả năng bị nhiễm HBV. Nhưng bạn sẽ có nguy cơ rất cao bị nhiễm nếu:

  • Dùng chung kim chích (thuốc điều trị, xì-ke,...)
  • Quan hệ tình dục không an toàn, cả quan hệ khác giới và đồng giới.
  • Quan hệ tình dục không an toàn với nhiều người.
  • Dược chẩn đoán có mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, nhất là lậu và Chlamydia.
  • Làm những công việc thường tiếp xúc với máu hoặc các sản phẩm của máu (nhân viên các phòng xét nghiệm máu, ...)
  • Được truyền máu hoặc các sản phẩm của máu (huyết thanh, huyết tương, hồng cầu, tiểu cầu,...) mà chưa được xét nghiệm siêu vi B. hiện nay, với nhiều phương pháp xét nghiệm hiện đại và chính xác, khả năng lây truyền của HBV qua con đường này ngày càng giảm đi.
  • Chung sống cùng nhà với người bị nhiễm HBV mạn tính.
  • Chạy thận nhân tạo (những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối).
  • Đi đến những vùng có tỷ lệ nhiễm HBV cao (Đông Nam Á, lưu vực sông Amazon, Trung Đông,...)
  • Trẻ sơ sinh cũng có nguy cơ cao nếu mẹ đã bị nhiễm, hoặc được sinh ra tại những vùng dịch tễ.
  • Bạn cũng có thể bị nhiễm ngay cả trong trường hợp không có yếu tố nguy cơ nào của bệnh.

Cần khám bệnh khi nào?

Bạn cần phải được khám và tư vấn nếu xuất hiện các triệu chứng B hoặc có nguy cơ cao mắc bệnh mà chưa được chủng ngừa. Hầu hết các em bé hiện nay đều được mẹ cho đi chủng ngừa cùng lúc với chương trình quốc gia phòng chống 6 bệnh (lao - ho gà - bại liệt - uốn ván - sởi - bạch hầu).

Tầm soát và chẩn đoán

Nếu bạn đang có thai, hoặc có nguy cơ cao bị nhiễm, cần phải sớm kiểm tra để phát hiện có nhiễm HBV hay không. Vì thường bạn bị nhiễm HBV không có triệu chứng, nên các bác sĩ sẽ chẩn đoán dựa vào một hoặc nhiều xét nghiệm máu:

Kháng nguyên bề mặt của virus viêm gan B: HbsAg (Hepatitis B surface antigen). Đó là lớp vỏ bề mặt của virus. Nếu HbsAg dương tính (+), thì có nghĩa là đã bị nhiễm HBV và có thể lây lan cho những người khác. HbsAg âm tính (-) nghĩa là gần đây bạn không bị nhiễm.

Kháng thể chống kháng nguyên bề mặt Anti-HBs (Antibody to hepatitis B surface antigen). Anti-HBs (+) nghĩa là cơ thể bạn đã tạo ra kháng thể chống HBV (kháng thể này có thể là kết quả của những lần bị nhiễm trước đây), hoặc có lẽ bạn đã được chủng ngừa rồi. Trong cả hai trường hợp này, bạn đều không thể lây nhiễm cho người khác được, vì bạn đã được vaccine bảo vệ hoặc đã có miễn dịch tự nhiên.

Kháng thể chống kháng nguyên lõi Anti-HBc (Antibody to hepatitis B core antigen). Nhằm phát hiện những người bị nhiễm HBV mạn tính, nhưng đôi khi kết quả không hoàn toàn chính xác như vậy. Nếu Anti-HBc (+), có lẽ bạn đang bị nhiễm HBV và có khả năng lây truyền cho người khác. Nhưng kết quả này cũng có thể cho biết bạn đang ở trong giai đoạn phục hồi sau một nhiễm virus cấp hoặc bạn có một khả năng miễn dịch nhẹ với HBV. Để giải thích kết quả, thường phải phối hợp với hai xét nghiệm trên. Nếu kết quả không rõ ràng, đôi khi bạn phải làm lại cả ba xét nghiệm.

Các xét nghiệm khác

Nếu bạn đã dược chẩn đoán bị nhiễm HBV, các bác sĩ sẽ cho bạn làm thêm một số xét nghiệm khác nhằm đánh giá độ nặng của tình trạng nhiễm HBV cũng như tình trạng gan. Gồm:

Kháng nguyên E (HbeAg). Xét nghiệm này nhằm tìm một loại protein do các tế bào bị nhiễm HBV tiết ra. HbeAg (+) nghĩa là lượng virus trong máu bạn rất cao và dễ dàng lây nhiễm cho những người khác. HbeAg (-) nghĩa là lượng virus trong máu thấp vàbạn ít có khả năng lây lan virus.

Xét nghiệm gan. Các xét nghiệm này nhằm kiểm tra sự tăng nồng độ của các men gan như alanine aminotransferase (ALT) và aspartate aminotransferase (AST), các men này được phóng thích từ gan vào máu.

Xét nghiệm Alpha-feotoprotein (AFP). Nếu nồng độ chất này trong máu tăng cao thì đôi khi là do ung thư gan.

Sinh thiết gan. Một mẫu mô gan nhỏ được lấy ra và phân tích dưới kính hiển vi. Sinh thiết giúp thấy được chính xác các tổn thương gan và đề ra biện pháp điều trị tốt nhất.

Biến chứng

Nhiễm HBV mạn tính cuối cùng có thể dẫn đến các bệnh lý gan nặng như xơ gan, suy gan hoặc ung thư gan. Nếu bạn bị nhiễm HBV từ khi còn là trẻ nhũ nhi hoặc trẻ con thì bạn có khả năng rất cao bị mắc các bệnh này khi trưởng thành.

Xơ gan là một tình trạng tổn thương gan vĩnh viễn, đồng thời nó còn gây ra nhiều biến chứng nặng nề khác, như xuất huyết do giãn tĩnh mạch thực quản, báng bụng nhiều (ứ nước, dịch trong bụng) và phù,...Các độc chất tích tụ dần trong máu có thể gây ảnh hưởng đến chức năng tâm thần, gây lú lẫn, hôn mê (bệnh não do gan, hôn mê gan).

Hàng năm nước ta có đến hàng nghìn người bị tử vong vì suy chức năng gan cấp tính có liên quan với siêu vi B – một tình trạng mà hầu hết các chức năng sống còn của gan bị tê liệt. Trong trường hợp này, ghép gan là hết sức cần thiết để duy trì sự sống. Nguy cơ bị nhiễm virus mạn tính và tử vong vì xơ gan, suy gan và ung thư gan tỷ lệ nghịch với tuổi mà lần đầu tiên bạn bị nhiễm HBV. Nếu bị nhiễm HBV mạn tính sau khi trưởng thành thì tỷ lể chuyển thành các bệnh gan mạn là 15%, nhưng nếu bị nhiễm HBV mạn ở lứa tuổi nhũ nhi hay trẻ lớn thì tỷ lệ này đến 25%.

Khi bị nhiễm HBV mạn tính, bạn cũng rất dễ bị nhiễm virus viêm gan D (HDV, cò gọi là virus Delta). HDV cần có lớp áo ngoài của HBV để tấn công vào tế bào. Do vậy bạn không thể nhiễm HDV nếu chưa bị nhiễm HBV. Một khi bị nhiễm cả hai loại này, nguy cơ bị các biến chứng gan mạn tính tăng lên rất cao.

Điều trị

Nếu bạn nghĩ là mình có khả năng vừa mới bị nhiễm HBV, hãy đến bác sĩ ngay lập tức để được chích kháng thể chống HBV trong vòng 24 giờ đầu nhằm ngăn ngừa sự phát triển của nó. Bạn cũng cần được chủng mũi vaccine đầu tiên trong loạt 3 mũi chủng ngừa VGSV B.

Một khi bạn bị nhiễm HBV mạn tính, có vài lựa chọn trong việc điều trị. Trong một số trường hợp – nhất là khi bạn không hề có triệu chứng tổn thương gan – bác sĩ thương sẽ theo dõi tình trạng bệnh mà có thể không điều trị gì. Có trường hợp phải điều trị với thuốc ức chế virus. Trường hợp tổn thương gan quá nặng, ghép gan là biện pháp cuối cùng.

Dùng thuốc

Có hai loại thuốc đặc trị:

Interferon. Cơ thể bạn có thể tự sản xuất ra interferon nhằm giúp bảo vệ ngăn cản những kẻ xâm lược vào các tạng, chẳng hạn như virus. Cung cấp thêm interferon ngoại sinh (sản xuất trong phòng thí nghiệm, trong ngành dược) vào cơ thể giúp kích thích hệ miễn dịch của bạn chống lại HBV và ức chế sự nhân đôi, tái tạo của virus trong tế bào. Đôi khi interferon có thể ức chế virus hoàn toàn (bạn vẫn có thể bị nhiễm lại). Interferon có thể gây ra một số tác dụng phụ, nhiều triệu chứng tương tự như nhiễm HBV, gồm: trầm cảm, mệt mỏi, đau cơ, nhức mỏi cơ thể, sốt, buồn nôn, ...Triệu chứng thường nặng trong 2 tuần đầu và nhất là 4-6 giờ sau chích thuốc. Thường bạn phải chích interferon 3 lần mỗi tuần trong vòng 4-6 tháng. Tác dụng phụ nguy hiểm nhất là giảm sản xuất hồng cầu.

Lamivudine (Epivir). Loại thuốc ức chế virus này giúp ngăn chặn sự nhân đôi của virus trong tế bào của bạn. Thuốc thường dưới dạng viên uống, 1 lần mỗi ngày trong 12 tháng. Lamivudine hiệu quả trong khoảng 40% trường hợp. Tác dụng phụ thường gặp là: ho, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, rụng tóc,...Nếu bạn đang dùng thuốc mà có triệu chứng vàng da nặng lên, vết bầm trên da bất thường hoặc xuất huyết, suy nhược,... cần đến ngay bác sĩ.

Ghép gan

Được chỉ định khi gan bạn bị thương tổn quá nặng. Tỷ lệ ghép gan thành công trên thế giới ngày càng tăng lên. Hiện nay có hơn 90% bệnh nhân được ghép gan vẫn còn sống sau hơn 1 năm. Vấn đề khó khăn ở chỗ số lượng gan của người cho không đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của người nhận. Tại Việt Nam ta hiện nay kỹ thuật này vẫn còn nhiều hạn chế.

Phòng ngừa

Vaccin phòng ngừa VGSV B (Engerix-B) đã dược áp dụng từ năm 1981. Thông thường mỗi người được chủng ngừa 3 mũi với khả năng bảo vệ rất cao, trên 90% cho cả người lớn lẫn trẻ em. Trong thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, tại Hoa Kỳ người ta đã sản xuất vaccin bằng công nghệ tái tổ hợp DNA, trong đó kháng nguyên HBV trong vaccin được tạo ra trong phòng thí nghiệm và khi tiêm vào cơ thể người, kháng nguyên này không làm cho cơ thể bị nhiễm virus mà chỉ tạo ra một đáp ứng miễn dịch tự nhiên bảo vệ cơ thể khi có virus thực sự tấn công.

Hầu hết mọi người đều có thể chủng ngừa vaccin VGSV B, cả trẻ nhũ nhi lẫn người già lão. Trẻ nhũ nhi cần được chích ngừa VGSV B trong năm đầu (thường vào lúc 2, 4 và 9 tháng tuổi).

Tác dụng phụ có thể gặp là: mệt mỏi, suy nhược, nhức đầu, buồn nôn, sưng tấy chỗ chích,...nhưng thường chỉ ở mức độ nhẹ hoặc trung bình.

Đã có rất nhiều nghiên cứu từ các trung tâm nghiên cứu lớn thuộc các trường đại học nổi tiếng trên thế giới cho thấy tính hiệu quả và an toàn của Enerix-B (New England Journal of Medicine).

Mặc dù khả năng bảo vệ của vaccin VGSV B ngày nay là rất cao, bạn cũng cần phải biết một số biện pháp sau để tự bảo vệ bản thân.

Nếu bạn chưa hề bị nhiễm HBV
  • Trang bị kiến thức. Bạn phải hiểu rõ HBV là gì, cách lây truyền của nó.
  • Biết rõ tình trạng nhiễm HBV hay không của người phối ngẫu. Không nên quan hệ tình dục mà không dùng biện pháp bảo vệ trừ khi bạn chắc chắn người phối ngẫu không bị nhiễm HBV, HIV hay các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
  • Sử dụng bao cao su mới mỗi lần quan hệ tình dục.
  • Sử dụng kim chích vô trùng.
  • Cần tư vấn ở bác sĩ khi bạn chuẩn bị công tác hay du lịch đến những vùng dịch tễ của HBV.
  • Cẩn thận với máu và những sản phẩm của máu.
  • Nếu bạn đang có thai, cần phải xét nghiệm HBV.

Nếu bạn đã bị nhiễm HBV

  • Sử dụng bao cao su để bảo vệ cho người phối ngẫu.
  • Báo cho người phối ngẫu biệt rõ về tình trạng nhiễm HBV của mình.
  • Không dùng chung kim tiêm, ống chích với người khác.
  • Thông báo với bác sĩ nếu bạn đang có thai.

Chăm sóc bản thân

Nếu bạn đã bị nhiễm HBV, bạn cần chú ý một số điểm sau trong lối sống nhằm giúp cơ thể khỏe mạnh:

  • Tránh uống bia rượu, chúng sẽ thúc đẩy nhanh các bệnh lý gan.
  • Cẩn thận với các thuốc có thể gây tổn thương gan. Bác sĩ của bạn sẽ giúp bạn trong vấn đề dùng thuốc.
  • Dùng chế độ ăn thích hợp, nhiều trái cây và rau xanh, gạo và ngũ cốc nguyên hạt, tránh xay xát quá trắng,... nhằm cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất hỗ trợ tốt cho hệ miễn dịch của bạn. Nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa (như súp, nước thịt,...)
  • Tập thể dục thường xuyên, giúp tăng cường sức chịu đựng và năng lượng cơ thể.
  • Ngủ đủ giấc, không nên thức quá khuya.

Bài liên quan

Viêm phế quản mạn tính
Viêm khớp
Viêm mũi dị ứng
Viêm gan
©2002-2024. Copyright by Sức Khỏe Cộng Đồng. Quản trị nội dung: BSCK2 Phạm Xuân Hậu.
Template by JoomShaper