Mùa mưa, trời trở lạnh và ẩm ướt, vì thế, người ta thường bị ngấm nước mưa, dễ bị cảm lạnh mà sức đề kháng suy giảm đi. Tuy thời tiết có mát hơn, việc ăn uống không vệ sinh cũng dễ bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy như mùa hè. Biết được các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của vi khuẩn chúng ta có thể khống chế, ngăn ngừa tới 70% nguy cơ bị ngộ độc thức ăn.
Có sáu yếu tố chủ yếu ảnh hưởng việc vi sinh vật phát triển và sinh sản: thực phẩm, độ a-xít, nhiệt độ, thời gian, ô-xy và độ ẩm. Cũng như con người, vi khuẩn phát triển tốt nhất khi thức ăn cho chúng chứa nhiều chất prô-tê-in. Độ a-xít hay còn gọi là pH, nhỏ hơn 4,6 làm cho vi khuẩn không phát triển được. Rất hiếm khi phát hiện được thực phẩm chế biến hoặc bảo quản ở độ a-xít nhỏ hơn 4,6 gây nên ngộ độc thực phẩm, chẳng hạn bia, sữa chua, dưa muối, v.v. Ô-xy cần ở mức độ khác nhau đối với các loại vi khuẩn khác nhau. Một số loại vi khuẩn chỉ sống được trong môi trường có ô-xy gọi là vi khuẩn hiếu khí. Một số khác có thể sống, phát triển được trong môi trường không có ô-xy gọi là vi khuẩn yếm khí. Vi khuẩn cần nước để phát triển nên độ ẩm có hoạt độ nước (AW) dưới 0,85 sẽ làm cho vi khuẩn không phát triển. Nước đá không có hoạt độ nước nên thường xuyên được dùng để bảo quản thực phẩm dễ ôi, thiu. Nói tóm lại, các thực phẩm được bảo quản sạch và trong môi trường quá khô, quá mặn, quá ngọt, quá chua đều khá an toàn và giữ được lâu.
Nhưng các yếu tố nói trên rất khó áp dụng kỹ thuật vào xử lý thực phẩm một cách hoàn hảo đối với mọi loại thực phẩm hoặc sẽ làm cho mùi, vị và cấu trúc của thực phẩm tự nhiên xấu đi. Như vậy, chỉ còn lại nhiệt độ và thời gian là những yếu tố mà con người có thể chủ động sử dụng một cách dễ dàng để kiểm soát sự phát triển của vi khuẩn. Nhiệt độ bảo quản thực phẩm lý tưởng, có thể giữ nguyên chất lượng và thành phần dinh dưỡng của đa số thực phẩm, trừ thịt, cá tươi sống, nằm trong khoảng 5 - 7,5oC. Thực phẩm chế biến sẵn giữ được tới bảy ngày ở nhiệt độ 5oC và bốn ngày ở 7,5oC.
Chính vì vậy, người thành thị, có tủ lạnh trong nhà, cho nên bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh. Những gia đình không có tủ lạnh chỉ nên mua vừa đủ thức ăn cho một ngày và vào buổi sáng, khi các nguyên liệu còn tươi. Còn người không có điều kiện ăn hai bữa tại nhà thì cũng nên tránh ăn các món không được hâm nóng lại vào chiều, tối, khi mà thức ăn đã bị để ở nhiệt độ môi trường gần cả ngày. Trong các món nguy hiểm này là các sản phẩm từ sữa, trứng, thịt, cá không được bảo quản lạnh, nhất là bánh mỳ pa-tê. Các quán phở, bún thịt các loại phục vụ cả ngày, nhưng không đắt khách ăn, thì ăn buổi sáng vẫn có thể nguy hiểm vì hàng ế bị để qua đêm. Cũng cần để ý đến vấn đề nước sạch. Vì nước vừa để uống, vừa là nguyên liệu để chế biến thức ăn, vừa là vật liệu để rửa dụng cụ chế biến, dụng cụ ăn uống và các loại nguyên liệu thực phẩm khác. Do đó, mọi người nên chọn các quán ăn có đủ nước sạch bằng cách hãy đi rửa tay trước để xem quán có đủ nước sạch không?
Đồng bằng sông Cửu Long mênh mông nước vẫn thiếu nước sạch, lại thường xuyên bị ngập lụt. Những người bị ngập nước, sức đề kháng càng kém. Vì vậy, mọi người, nhất là người già và trẻ em, càng cần được ăn các thức ăn mới nấu. Các gia đình phải dự trữ đủ nước sạch trong gia đình. Trong điều kiện không thể làm được như vậy thì cần chuẩn bị trước một số phèn chua để làm trong nước và thuốc sát khuẩn nước. Lúc đó mọi nguồn nước bề mặt như giếng, đường ống nước công cộng, bể chứa nước,... đều bị ngập nước và không thể sử dụng được. Việc dự trữ một số loại thuốc kháng sinh và hỗn hợp muối bù điện giải do mất nước Ô-rê-dôn sẽ giúp cơ thể chóng khỏi và bình phục. Những loại thuốc kháng sinh thông thường dễ mua và tự sử dụng là: bi-sép-tôn, clo-rô-xit, béc-bê-rin và tê-tra-xi-lin (riêng loại này chỉ sử dụng cho trẻ từ 12 tuổi trở lên). Phòng trường hợp nước lũ về quá nhanh không kịp sơ tán và bị kẹt lại trong vùng lũ, ngập nước, mỗi gia đình nên chuẩn bị một số thực phẩm đồ hộp và nước uống tinh khiết, nước khoáng đóng chai (là những thứ không bị ngấm nước) đủ để dùng cho ít nhất ba ngày. Tất cả những thứ cần dự trữ để dự phòng tình huống xấu nhất có thể xảy ra cần được cất giữ ở nơi cao ráo, không bị ngập nước khi lũ về.
Với những sự chuẩn bị trước như trên, các gia đình ở những vùng năm nào cũng bị ngập lụt có thể tự cứu mình trước khi các thầy thuốc và những người cứu trợ đến cứu giúp.
BS NGUYỄN VĂN DŨNG
Báo Nhân Dân