Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn cũng đưa ra lời cảnh báo, hiện nay, nhiều người tỏ ra thờ ơ với dịch cúm A/H1N1 trong khi thời điểm dịch cúm có thể bùng phát đang tới gần. Mặc dù có nhiều trường hợp mắc cúm nhưng khỏi nhanh đó là do họ phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Thực tế là tại một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia số ca tử vong đã lên tới trên dưới 100 người.
Trong ngày 1/9, ghi nhận thêm 138 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1. Cả nước đã ghi nhận 2.931 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1, hai ca tử vong.
Ông Lã Quý Đôn - Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh Sinh viên (Bộ Giáo dục & Đào tạo) thông báo, cả nước, hiện có 50 trường học có tổng số 450 học sinh nhiễm cúm A/H1N1. Trong số này, Hà Nội có 19 trường, TPHCM 18 trường.
Thay đổi một số quy định về giám sát và điều trị
Hiện, cúm A/H1N1 lây lan nhanh ra cộng đồng, trong khi đó, sinh phẩm xét nghiệm có hạn, thủ tục mua sắm mất nhiều thời gian, các cơ sở xét nghiệm gặp nhiều khó khăn.
Ban chỉ đạo đã thống nhất thay đổi một số quy định về giám sát và điều trị cho bệnh nhân nhiễm cúm. Đối với các địa phương đã có dịch lây lan rộng, Bộ Y tế thống nhất, chỉ giám sát các chùm ca bệnh, xét nghiệm các ổ dịch mới, các đối tượng nguy cơ cao (trẻ em dưới năm tuổi, người già trên 65 tuổi, phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính...) để phục vụ công tác nghiên cứu biến đổi virus.
Tại các trường học, công sở, nơi công cộng... sau khi phát hiện các ca bệnh đầu tiên và được khẳng định dương tính với cúm A/H1N1 thì không cần xét nghiệm cho các trường hợp mắc sau, chỉ cần cách ly điều trị và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.Đối với các địa phương có các ca bệnh xâm nhập và chưa có dịch, tiếp tục tăng cường giám sát ca bệnh, phát hiện ca bệnh mới để khống chế kịp thời.Còn tại các cơ sở khám chữa bệnh, mẫu bệnh phẩm lấy làm xét nghiệm cúm A/H1N1 chỉ được lấy theo chỉ định của bác sĩ và tập trung điều trị ngay cho các đối tượng có nguy cơ cao (không cần đợi kết quả xét nghiệm).
Những trường hợp bệnh nhân có tính chất lâm sàng điển hình thì điều trị ngay theo phác đồ, không nhất thiết phải đợi kết quả xét nghiệm.
TS Nguyễn Trần Hiển – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, Việt Nam đang làm thủ tục để nhập khẩu thuốc Zanamivir, một loại thuốc có tác dụng chống virus cúm A/H1N1. Đây là thuốc dùng theo đường xịt qua mũi.
Số thuốc tamiflu dùng trong các cơ sở y tế sẽ hết hạn vào tháng 11 năm 2009 đang được Bộ Y tế thu hồi. Cùng với đó, Bộ cũng chuyển thuốc tamiflu hạn sử dụng dài hơn tới các bệnh viện để đảm bảo thuốc điều trị cho bệnh nhân.
Bộ Y tế đang hoàn tất thủ tục nhập sinh phẩm để xét nghiệm cúm A/H1N1 cho người dân do Việt Nam chưa sản xuất được. Tại Viện các Bệnh Truyền nhiễm & Nhiệt đới Quốc gia đã hết sinh phẩm xét nghiệm nhưng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư vẫn đủ đáp ứng cho nhu cầu xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm.
Thái Hà
Cúm lan rất nhanh trong trường học
Lâm Đồng: Ngày 1/9, các trường Tiểu học Quang Trung (huyện Đạ Tẻh), THCS Nguyễn Văn Trỗi (Đạ Tẻh) và THCS Gia Hiệp (huyện Di Linh) cho toàn bộ HS tạm nghỉ học vì diễn biến phức tạp của cúm A/H1N1, nâng tổng số cơ sở phải tạm đóng cửa vì dịch cúm lên năm trường.
Sở GD&ĐT Lâm Đồng cũng cho biết, vừa xảy ra hai ổ dịch cúm lớn tại trường THPT Bảo Lâm (huyện Bảo Lâm) và THPT Nguyễn Tri Phương (TX Bảo Lộc).
Tại THPT Bảo Lâm có một giáo viên và 16 HS dương tính với cúm A/H1N1, hàng chục HS khác nghi ngờ nhiễm cúm.
Ở THPT Nguyễn Tri Phương, ngoài năm HS dương tính với cúm A/H1N1 còn có hơn 75 trường hợp khác sốt cao, nhức đầu, sổ mũi.
TT- Huế: Chiều 1/9, Bệnh viện huyện Hương Thủy (TT- Huế) tiến hành cách ly, điều trị thêm ba trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 là học sinh, sinh viên Trường THCS Thủy Châu, THCS thị trấn Phú Bài và Cao đẳng Xây dựng 5 (huyện Hương Thủy).
Cùng ngày, tại TT- Huế phát hiện thêm hai ca nhiễm cúm A/H1N1, nâng tổng số người nhiễm cúm A/H1N1 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế lên 54 trường hợp.
Đồng Nai: Ngày 1/9, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai cho biết đã có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A/H1N1 đối với bốn học sinh học tại trường THPT Nguyễn Trãi (ở phường Tân Biên, TP Biên Hòa).
Bốn học sinh phát hiện bị nhiễm cúm gồm ba học sinh nữ, một học sinh nam học cùng lớp 12A7 tại trường THPT Nguyễn Trãi có biểu hiện sốt cao và ho trong khi đang học tại trường vào ngày 31/8 và được Trung tâm y tế dự phòng TP Biên Hòa lấy mẫu xét nghiệm đồng thời các em được cách ly tại gia đình.
Về khả năng có thể tạm đóng cửa trường học khi phát hiện học sinh bị nhiễm cúm hay không, bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai cho rằng, theo quy định điều này chỉ xảy ra khi phát hiện có ít nhất 20 học sinh bị nhiễm cúm A/H1N1.
TPHCM: Hôm qua, Sở Y tế TPHCM cho biết, trong ngày 1/9 đã phát hiện thêm 34 trường hợp dương tính với cúm, trong số đó xuất hiện 10 ổ dịch trong trường học làm hàng trăm học sinh mắc bệnh.
Trước tình hình dịch bệnh lây lan này, Sở Y tế tiến hành tập huấn, triển khai kế hoạch phòng chống đại dịch cúm A/H1N1 trong giai đoạn lây lan ra cộng đồng cho các cơ sở y tế, bệnh viện quận huyện, Ban Quản lý khu chế xuất - khu công nghiệp TPHCM.
Bác sĩ Nguyễn Văn Châu - GĐ Sở Y tế TPHCM cho biết: tại các ổ dịch trong trường học, nếu phát hiện bệnh nhân mới có biểu hiện ho, sốt... thì điều trị ngay chứ không cần xét nghiệm bệnh phẩm như trước đây.
Tiền Giang: Chiều 1/9, bà Văn Thị Thanh Hà, Trưởng phòng GD&ĐT TP Mỹ Tho, cho biết, phát hiện có 21 học sinh dương tính cúm A/H1N1.
Phát hiện thêm sáu học sinh ở trường Tiểu học Nguyễn Trãi, bên cạnh 15 học sinh ở trường Tiểu học Thiên Hộ Dương.
Trên địa bàn thành phố còn có gần 400 học sinh bị sốt ho, nghi nhiễm cúm, đang chờ kết quả xét nghiệm và hàng trăm học sinh đã tự ý nghỉ học do sợ lây cúm.
Bà Hà nói, công tác phòng chống dịch gặp khó khăn bởi diễn biến bệnh rất nhanh, trong khi kết quả xét nghiệm lại chậm. Nhiều phụ huynh khai báo địa chỉ học sinh không chính xác, khi phát hiện bệnh, cán bộ đến gia đình phối hợp chống dịch thì không gặp.
Kim Anh - Ngọc Văn - Đức Minh - L.N - Đức Thịnh
Orginal Source Cúm A/H1N1 có mặt ở 48 tỉnh, thành