Để bà bầu khỏe mạnh, cần gì?

TP - Bác sỹ Nguyễn Minh Hồng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ y học Việt Nam và Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Thị Phương, Trưởng bộ môn Điều dưỡng Sản phụ khoa, Cao đẳng Y Hà Nội, BV Phụ sản Hà Nội trao đổi về vấn đề dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai. g Y Hà Nội, BV Phụ sản Hà Nội trao đổi về vấn đề dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai.

Thưa bác sỹ, bà bầu bị nghén sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chế độ dinh dưỡng cho thai nhi? Chế độ ăn uống và chăm sóc mẹ và bé thế nào là hợp lý?

BS Bùi Thị Phương: Không có lời giải thích nào cho lý do nghén ngoài nguyên nhân do sự thay đổi các nội tiết do thai nghén sinh ra. Những thay đổi này làm tăng sự nhạy cảm đối với mùi vị gây buồn nôn hoặc nôn, người thường mỏi mệt.

Mức độ nghén rất khác nhau ở từng phụ nữ, có người chỉ thoáng qua, không gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và và sức khỏe. Cũng có trường hợp nghén nặng gây nôn rất nhiều, ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe của bà mẹ và bé. Những trường hợp này cần có chế độ chăm sóc và điều trị tại bệnh viện.

Những trường hợp còn lại, chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn uống, tránh những chất kích thích như nóng, cay, những thức ăn có nhiều dầu mỡ, hoặc những thức ăn mà người phụ nữ sợ.

Tăng cường rau, củ, quả và uống đủ nước. Không nên ăn nhiều trong bữa mà nên chia nhỏ bữa. Chú ý nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc, buổi sáng thức dậy cử động nhẹ nhàng. Khoảng ngoài 2 tháng, các dấu hiệu nghén sẽ giảm dần và bà mẹ sẽ ăn uống lại bình thường.

Trong quý I của thai kỳ, thường cân nặng tăng không nhiều, khoảng từ 1-2 kg. Đây cũng là giai đoạn hình thành các cơ quan của em bé, tất cả các tác nhân lý, hóa học như các thuốc, hóa chất, nhiệt độ, tia X đều có thể ảnh hưởng đến bé. Vì vậy các bà mẹ cần thận trọng.

Tất cả các thuốc sử dụng trong giai đoạn này đều phải có chỉ định của bác sĩ sản khoa trừ các chế phẩm có chứa sắt và acid Follic uống theo chương trình.

Từ lâu dân gian coi cá chép là một trong những thực phẩm quý và rất tốt cho sức khỏe, nhất là thai phụ, có đúng không, thưa bác sỹ?

BS Nguyễn Minh Hồng: Cá chép không những là món ăn ngon do thịt dày và béo, ít xương dăm, thớ thịt trắng mịn, mùi vị thơm ngon... mà còn chứa nhiều chất dinh dưỡng có tác dụng chữa trị bệnh tốt.

Theo Đông y, cá chép là dương tính trong âm tính, có thể chữa được bệnh khi kết lạnh, nướng lên thì hỏa hóa, làm sạch đường tiêu hoá, bài tiết và trừ khử được tả độc sưng tấy.

Cá chép còn là vị thuốc quý chữa bệnh phụ khoa, nó có tác dụng an thai (cá chép nửa cân, để cả vảy, gạo nếp nửa lạng, thêm một ít gừng, vỏ quýt, muối nấu cháo ăn trong 5 - 7 ngày sẽ hiệu quả), chữa nôn ói cho phụ nữ khi có thai, chữa bệnh phù thủng khi mang thai, giúp làm tăng lượng sữa cho phụ nữ sau khi sinh (cá chép 3 lạng, một chân giò, 3g thông thảo đem hầm thật nhừ), chữa bệnh ứ huyết sau khi sinh, làm tăng công năng dạ dày sau khi sinh.

Người ta thường nói tầm quan trọng của DHA đối với phụ nữ có thai và cho con bú, xin bác sỹ giải thích?

BS Nguyễn Minh Hồng: DHA có tên gọi đầy đủ Docosa Hexaenoic Acid, một acid béo thuộc nhóm omega-3, cần thiết cho sự hoàn thiện của hệ thần kinh, đặc biệt là thị giác và tổ chức não. Nếu thiếu DHA trong quá trình phát triển, trẻ sẽ có chỉ số thông minh (IQ) thấp.

Một nghiên cứu theo dõi trẻ từ lúc mới sinh tới 8 - 9 tuổi, cho thấy trẻ được bú sữa mẹ và ăn đủ chất chứa DHA có chỉ số IQ cao hơn 8,3 điểm so với những trẻ ít, hoặc không được bú sữa mẹ và không được cung cấp đầy đủ DHA. DHA là một chất rất quan trọng, nhưng cơ thể không tự tổng hợp được, mà phải thu nạp từ nguồn thực phẩm.

Bởi vậy, các nhà dinh dưỡng học khuyến cáo, chế độ ăn trước và trong khi có thai của người phụ nữ rất quan trọng đối với tình trạng dự trữ các acid béo không no cần thiết (EFAs) cho thai nhi, đặc biệt trong ba tháng cuối. DHA có nhiều trong dầu cá, cá và thuỷ hải sản. Sữa mẹ cung cấp đủ EFAs cho trẻ. Cho nên, việc cho con bú sữa mẹ trong sáu tháng đầu là rất quan trọng.

Theo bác sỹ, phụ nữ trong thời kỳ mang thai tăng cân bao nhiêu thì vừa?

BS Bùi Thị Phương: Để bảo đảm sức khỏe và sự phát triển cho mẹ và bé, các bà mẹ phải tăng từ 9-12 kg trong suốt thai kỳ. Nếu tăng ít dưới 9 kg cần điều chỉnh ngay chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và lao động hợp lý.

Nhưng nếu tăng quá nhiều cần xem xét liệu người phụ nữ có bị phù hay không. Trung bình khi mang thai, người phụ nữ tăng không quá 0,5 kg/tuần. (Các bà mẹ cần biết về cân nặng của con theo tháng tuổi có thể tham khảo ở website: www.dinhduong.com.vn).

Có phải phụ nữ mang thai thường bị thiếu máu không, thưa bác sĩ?

BS Nguyễn Minh Hồng: Với những phụ nữ mang thai thường bị thiếu máu, có thể thiếu thực sự do giảm số lượng hồng cầu, có thể thiếu máu do nhu cầu nuôi dưỡng thai nhi, nhất là vào những tháng cuối.

Do vậy, phụ nữ mang thai cần bổ sung ăn uống bằng những thức ăn giàu đạm, và chất sắt để tạo hồng cầu nuôi dưỡng thai nhi. Các thức ăn đó là: bột mì, khoai... (nhóm giàu cacbon hydrat), thịt, cá, trứng, gan, tôm, đỗ, nấm... (nhóm giàu protein), dầu thực vật (nhóm giàu lipid), rau, quả, củ các loại, trong đó nhiều sắt là rau muống, rau dền, rau ngót...(nhóm nhiều muối khoáng và vitamin).

Trong thời kỳ mang thai bà mẹ nên và không nên ăn gì, thưa bác sỹ?

BS Bùi Thị Phương: Trong thời kỳ mang thai, bà mẹ cần đặc biệt quan tâm tới vấn đề dinh dưỡng. Phải đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng. Khi mang thai nhu cầu năng lượng cần tăng thêm khoảng 300 Kcalo so mới mức bình thường khi chưa có thai.

Bởi vậy mỗi bữa ăn, bà mẹ cần ăn đủ no cơm hoặc các loại ngũ cốc khác và ăn cân đối các thành phần dinh dưỡng. Để bảo đảm về số lượng, có thể ăn tăng số lượng ở mỗi bữa hoặc tăng thêm số bữa trong ngày. Các loại thực phẩm nên đa dạng hóa theo mùa, không nên kiêng khem.

Ví dụ, để tăng cường chất đạm và chất béo, bà mẹ cần khoảng 70g/ngày. Đạm có nhiều trong các loại thức ăn: Thịt, cá, trứng, sữa, đậu tương, đậu xanh, vừng, lạc... Sắt có nhiều trong các loại thịt màu đỏ và các loại rau có màu xanh sẫm.

Tôm, cua, ốc... là những thức ăn chứa nhiều can xi. Các khoáng chất này làm giảm nguy cơ đẻ non, phòng thiếu máu do thiếu sắt, giúp tạo xương cho thai... Những thức ăn chứa nhiều vitamin: Sữa, gan, trứng, ngũ cốc, rau ngót, rau xanh các loại, cà rốt, đu đủ... Chú ý uống nhiều nước.

Những thứ bà mẹ nên tránh là: Bia, rượu, thuốc lá, ma túy và các chất gây nghiện khác. Các món gỏi, các món ăn nấu chưa chín kỹ, các loại đồ hộp, các sản phẩm từ bơ, sữa chưa diệt khuẩn, các loại thức ăn gây dị ứng cho cơ thể, một số các loại rau quả trái vụ...

Theo bác sỹ, về việc chọn sữa, thai phụ có bắt buộc phải uống loại sữa dành cho bà mẹ mang thai không? Có thể thay thế bằng sữa đậu nành, sữa chua không? Cách xử lý khi cơ thể không có men tiêu hóa sữa, gây nên hiện tượng tiêu chảy, dị ứng với sữa?

BS Bùi Thị Phương: Sữa bà bầu, loại sữa được chế biến theo công thức dành riêng cho thai phụ là tốt nhất dành cho phụ nữ mang thai. Nhưng nếu như không thích, bạn vẫn có thể uống sữa tươi, sữa đậu nành thay thế, nhưng nhớ là phải sữa tươi tiệt trùng.

Vì những loại sữa chưa tiệt trùng có chứa vi khuẩn listeria cao, dễ gây bệnh nguy hiểm. Nhưng sữa đậu nành không có nhiều chất dinh dưỡng như sữa nên phải kết hợp ăn thật nhiều thực phẩm để cân bằng dinh dưỡng trong cơ thể.

Sữa là thực phẩm rất tốt cho cả mẹ và bé, vì vậy các chị em nên tập dần thói quen uống sữa. Có thể tập bằng cách chia ra uống nhiều lần trong ngày, hoặc thay đổi mùi vị sữa cho phù hợp với cơ thể. Khi uống sữa, kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý, đủ chất tạo điều kiện cho con bạn có sự phát triển hoàn hảo.

Siêu âm có hại cho em bé hay không?

Theo BS Bùi Thị Phương, cho đến hiện nay, theo các khuyến cáo chung, siêu âm không có hại cho bé và sức khỏe bà mẹ. Tuy nhiên cũng không nên lạm dụng.

Thông thường khi có thai, các bạn nên đến khám ở các cơ sở chuyên khoa, ít nhất 3 lần ở 3 quý của thai kỳ. Siêu âm hay không sẽ do các bác sĩ sản khoa chỉ định.

Trong chương trình chăm sóc trước sinh, siêu âm sàng lọc thường ở tuần 12-13, tuần 22 và tuần 32 của thai kỳ.

Tại sao một số phụ nữ mang thai bị đái tháo đường, thưa bác sĩ?

BS Nguyễn Minh Hồng: Có khoảng 3% phụ nữ lúc mang thai ở tháng thứ 8, hoặc sớm hơn bị đái tháo đường. Đái tháo đường lúc mang thai là do nhu cầu insulin tăng lên khi thai phát triển, nhu cầu cung cấp năng lượng của người mẹ cũng tăng lên đòi hỏi một lượng insulin nhiều hơn để đưa đường từ máu vào tế bào.

Vào thời gian này (3 tháng cuối) nhu cầu insulin của người mẹ tăng gấp hai, ba lần so với lúc bình thường.

Mặt khác, ba tháng cuối của thời gian mang thai cơ thể người mẹ lại sinh ra các nội tiết tố có tác dụng kháng insulin. Đái tháo đường lúc mang thai thường xảy ra ở những phụ nữ béo, tiền sử gia đình có người mắc bệnh đái tháo đường, đã từng sinh con có cân nặng trên 4kg, hoặc người mang thai ở lứa tuổi trên 35 tuổi.

Những phụ nữ mắc một số căn bệnh như hen, tim bẩm sinh... khi mang thai liệu có ảnh hưởng gì đến thai nhi không?

BS Nguyễn Minh Hồng: Hen là bệnh có tiềm năng thường xảy ra, nhất là khi có thai. Trong thực tế có khoảng 7% phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ bị lên cơn hen. Tuy nhiên, nếu được kiểm soát tốt thì không phải là nguy cơ nặng cho bà mẹ hoặc thai nhi. Hầu hết các biện pháp được sử dụng để kiểm soát hen không có hại cho sự phát triển của thai nhi.

Phụ nữ bị bệnh tim bẩm sinh khi mang thai, thai nhi sẽ phát triển kém do người mẹ luôn thiếu oxy và chất dinh dưỡng. Do thiếu oxy và dưỡng chất kéo dài, trẻ khi sinh ra thường thiếu cân (dưới 2,5 cân), hoặc bị sinh non.

Tuy nhiên, bệnh tim có nhiều loại, nếu bị nhẹ vẫn có thể sinh con bình thường. Nhưng nếu bị hẹp van hai lá, hoặc tim đã suy mà mang thai và sinh nở sẽ rất nguy hiểm cho người mẹ, gặp trường hợp này cần được bác sỹ tư vấn cẩn thận.

Thưa bác sỹ, nhiều khi bà mẹ gặp phải vấn đề về sức khỏe, nên tránh sử dụng những loại thuốc gì có khả năng gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi?

BS Bùi Thị Phương: Có rất nhiều loại thuốc khi người phụ nữ mang thai không nên dùng. Đặc biệt trong tháng đầu, có những phụ nữ không biết mình có thai nên khi có vấn đề sức khỏe, đã tự ý dùng thuốc.

Khi phát hiện mình có thai, thường các bạn rất lo không biết con mình có làm sao không? Nhiều trường hợp muốn phá thai vì sợ trẻ bị dị tật. Bởi vậy lời khuyên tốt nhất cho các bạn trẻ là nếu sinh hoạt tình dục không được bảo vệ, luôn phải nghĩ liệu mình có mang thai hay không.

Nếu nghĩ mình có thai, nếu có bất kỳ vấn đề gì về sức khỏe, cần được khám và chỉ có thể sử dụng thuốc theo đơn của các bác sĩ. Tuyệt đối không nên sử dụng thuốc tùy tiện và tự ý mua thuốc uống, hậu quả sẽ khó lường.

Theo bác sĩ, phụ nữ đang mang thai có nên tập thể dục hàng ngày để nâng cao sức khoẻ không?

BS Nguyễn Minh Hồng: Tập luyện thể dục trong thời gian mang thai là việc rất đáng khích lệ, bởi nó giúp cho người phụ nữ khỏe mạnh và sau khi sinh mau hồi phục.

Tuy nhiên, việc tập luyện thời gian này phải hết sức cẩn thận. Cường độ tập luyện không quá cao, bởi khi người mẹ thở dốc là em bé đang bị thiếu oxy. Tuyệt đối không được tham gia tập các môn thể thao đòi hỏi phải vận động mạnh, quá sức. Ngoài các bài tập dành riêng cho thai phụ, có thể đi bộ chậm, bơi lội nhưng tránh đừng lặn sâu.

Nhiều người cho rằng, khi mang thai vợ chồng không được sinh hoạt tình dục, vì không có lợi cho sức khỏe của người mẹ và thai nhi. Ý kiến của bác sỹ về vấn đề này?

BS Nguyễn Minh Hồng: Khoa học hiện đại lại chứng minh rằng, việc duy trì sinh hoạt tình dục vợ chồng trong thời gian người phụ nữ mang thai lại tốt cho sức khỏe và tâm lý của người mẹ.

Tuy nhiên, trong thời gian này cần lưu ý vài điều sau: Việc sinh hoạt tình dục phải do người phụ nữ quyết định, vì nhu cầu và cảm nhận tình dục của phụ nữ trong thời kỳ mang thai có thể tăng hoặc giảm do thay đổi về hormone sức khỏe, tâm lý, nên nếu người vợ muốn thì hãy quan hệ tình dục, còn không muốn thì đừng cố chiều chồng.

Khi quan hệ, các động tác cần nhẹ nhàng, nhất là ở tháng cuối thai kỳ, nên thiên về vuốt ve, âu yếm hơn là giao hợp.

Bác sỹ có lời khuyên gì về cách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho thai phụ trước và sau khi sinh?

BS Bùi Thị Phương: Các bạn có thể tiêm phòng một số bệnh từ khi chưa mang thai, ví dụ uốn ván viêm gan B, Rubella... khi mắc những bệnh này, có thể lây truyền cho em bé hoặc có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh cho thai.

Trong khi mang thai, cần đăng ký, quản lý thai nghén và khám thai theo định kỳ. Chú ý tránh xa những hóa chất độc hại, kể cả những chất tẩy rửa hay hóa chất sử dụng để nhuộm tóc, sấy tóc...Các bạn có thể tham gia các bài tập thể dục dành cho phụ nữ mang thai, tập thở, đi bộ nhẹ nhàng, tránh mang vác các vật nặng.

Sau sinh, có rất nhiều vấn đề cần trao đổi. Tôi chỉ lưu tâm các bạn rằng các bạn cần có kiến thức cơ bản để chăm sóc bản thân mình từ vệ sinh, dinh dưỡng cho đến cách phát hiện các bất thường cũng như vấn đề tập thể dục, làm đẹp sau sinh....

Còn mảng rất lớn nữa là chăm sóc em bé ngay sau sinh cũng như những năm đầu đời. Có lẽ khi có bầu hoặc khi nuôi con, các bạn phải tham gia lớp tập huấn dành cho bà bầu và chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ mới có thể thỏa mãn các câu hỏi được.

Chị em phụ nữ có thể đăng ký theo học lớp dành cho phụ nữ mang thai do Thạc sỹ, bác sỹ Bùi Thị Phương giảng dạy và các lớp dành cho bà mẹ có con dưới 1 tuổi, từ 1 đến 3 tuổi tại Công ty Cổ phần Truyền thông Dinh dưỡng Việt Nam, website: http://www.dinhduong.com.vn/, điện thoại: 0944 883 296).

Diệu thiện - Nguyên Nhung

Orginal Source Để bà bầu khỏe mạnh, cần gì?

Bài liên quan

©2002-2024. Copyright by Sức Khỏe Cộng Đồng. Quản trị nội dung: BSCK2 Phạm Xuân Hậu.
Template by JoomShaper