Những lưu ý khi đi sửa mũi

Ảnh: Media.canada.

Tuy là một phẫu thuật đơn giản nhưng việc sửa mũi có thể làm gương mặt bạn xấu đi. Vì vậy, bạn cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định nhờ cậy đến dao kéo.
>

Phẫu thuật thẩm mỹ có thể sửa chữa những "sai sót" của tạo hóa đối với chiếc mũi, chẳng hạn làm cho nó ngắn lại, thon gọn hoặc cao thêm... Các thao tác chỉ được thực hiện trong khoảng 15-20 phút với nâng mũi và gần 1 tiếng nếu làm gọn mũi.

Với các ca nâng mũi, bác sĩ có thể dùng sụn sườn của chính khách hàng làm chất độn. Ưu điểm của nó là có sự tương thích gần như hoàn toàn về mặt sinh học. Tuy nhiên, bệnh nhân phải trải qua 2 lần phẫu thuật, trong đó có phẫu thuật lấy sụn sườn, gây thương tích và sẹo ở ngực. Do đó, theo bác sĩ Nguyễn Đình Minh, khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn, cách làm phổ biến hiện nay là dùng vật liệu nhân tạo vì chúng đem lại hiệu quả thẩm mỹ cao, lại rút gọn các thao tác. Vật liệu độn hiện nay được làm bằng chất trơ nên không gây kích ứng hay phản ứng thải loại, rất an toàn.

Còn với phẫu thuật thu gọn cánh mũi, bác sĩ sẽ vạt bớt dải da ở chân cánh mũi. Tất cả các kỹ thuật trên đều được thực hiện qua đường rạch rất nhỏ phía bên trong lỗ mũi, sau đó khâu sát bằng chỉ tự tiêu nên không để lại sẹo. Do mũi bị băng kín trong 3-5 ngày, trong thời gian mới mổ bạn sẽ khá khó chịu khi phải thở bằng miệng. Đồng thời, bạn cũng cần uống thuốc theo đơn bác sĩ để chống nhiễm trùng.

Giá cho một ca nâng mũi dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, tùy chất liệu cũng như tay nghề của bác sĩ, uy tín của cơ sở thẩm mỹ.

Đơn giản, nhưng cũng dễ làm hỏng

Theo tiến sĩ Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn, việc mổ và đặt chất độn nâng mũi một cách an toàn không khó, nhưng làm sao cho chiếc mũi được đẹp lại không đơn giản. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào tay nghề, độ nhạy cảm và óc thẩm mỹ của bác sĩ. Chiếc mũi mới tạo ra cần "ăn ý" với khuôn mặt, dáng cằm và cả phong thái của khách hàng.

Có những chiếc mũi nếu nhìn riêng thì rất chuẩn nhưng không phù hợp nên đã làm giảm sự khả ái của gương mặt. Chẳng hạn chiếc mũi cao không hợp với gương mặt nhỏ nhắn có các nét mềm mại; còn chiếc mũi quá thon lại không đẹp nếu đặt trong khuôn mặt quá to, cằm vuông.

Do đó trước khi quyết định mổ, bạn cần tư vấn kỹ với bác sĩ. Theo bác sĩ Sơn, việc này giúp bạn xác định việc sửa mũi có thực sự cần thiết hay không, yêu cầu của bạn có xuất phát từ nguyện vọng tha thiết, đã được suy nghĩ chín chắn hay chỉ là sở thích nhất thời. Nếu nó không có hình dáng lý tưởng nhưng vẫn hài hòa với khuôn mặt thì tốt nhất là không nên sửa. Khi quyết tâm làm, cần trao đổi kỹ để xác định một "phương án" phù hợp với mình.

Nếu tay nghề của bác sĩ kém, bạn có thể gặp một số sự cố sau mổ như mũi dị dạng, quá gồ cao như mỏ quạ, mũi bị vẹo do đặt miếng độn không chuẩn, hai lỗ mũi không đều nhau do sẹo co kéo ở nơi rạch da, dẫn đến hẹp lỗ mũi...

Ngoài ra, khi sửa mũi, bạn cũng có thể gặp các nguy cơ chảy máu kéo dài, tê vùng mặt xung quanh mũi, đau lâu ngày, viêm nhiễm...

Orginal Source Những lưu ý khi đi sửa mũi

Bài liên quan