Mãn kinh

Mãn kinh là gì?

Có lẽ bạn sẽ nghĩ rằng mình đã mãn kinh vào thời điểm bạn không còn hành kinh hàng tháng nữa. Nhưng các bác sĩ định nghĩa thời kỳ mãn kinh bắt đầu sau kỳ hành kinh cuối cùng 12 tháng. Mặc dù mẹ hoặc bà của bạn cho rằng chẳng qua mãn kinh chỉ là một sự thay đổi thông thường, nhưng thực ra không đơn giản như vậy. Ngược lại, đó là cả một loạt biến đổi lâu dài bắt đầu ngay từ lúc bạn 30-40 tuổi và kéo dài cho đến 50-60 tuổi.

Mãn kinh – thuật ngữ y khoa là Menopause – đã từng được xem là các rối loạn do thiếu hụt estrogen. Nhưng mãn kinh không phải là bệnh lý mà là một quá trình sinh lý bình thường. Mãn kinh cũng không phải là điểm kết thúc tuổi thanh xuân hay khả năng tình dục của bạn, mặc dù nó có liên quan với nhiều biến đổi về nội tiết tố và tâm sinh lý. Các đây nhiều thế hệ, chỉ có ít phụ nữ sống qua tuổi mãn kinh. Nhưng ngày nay, bạn có thể trải qua một phần ba đến một nửa quãng đời mình sau thời kỳ này.

May mắn thay, ngày nay chúng ta đã biết về mãn kinh rất nhiều so với những kinh nghiệm mà mẹ hay bà của chúng ta từng trải qua. Bạn cũng có thể biết cách làm thuyên giảm các triệu chứng khó chịu, phòng tránh biến chứng, cải thiện sức khỏe về thể chất lẫn tinh thần của bản thân.

Dấu hiệu và triệu chứng

Mỗi người phụ nữ trải qua thời kỳ mãn kinh khác nhau. Ngay cả tuổi bắt đầu mãn kinh cũng thay đổi. Một số người bắt đầu từ 30-40 tuổi, một số khác có thể đến trên 60. Phổ biến nhất là khoảng 50-51 tuổi.

Các triệu chứng cũng rất thay đổi tùy mỗi người. Có thể bạn chỉ có vài triệu chứng nhẹ thoáng qua, hoặc mắc phải hàng loạt biến đổi tâm sinh lý, gồm:

  • Hành kinh bất thường. Chu kỳ kinh có thể dừng dột ngột, hoặc dần dần nhẹ đi hay nặng dần rồi ngưng. Chu kỳ kinh nguyệt không ổn định có thể là những dấu hiệu khởi đầu thời kỳ mãn kinh.
  • Giảm khả năng sinh sản. Khi buồng trứng thay đổi bất thường, bạn cũng khó có thai hơn. Tuy nhiên bạn vẫn có thể có thai trong vòng một năm sau khi hoàn toàn ngưng hành kinh.
  • Các biến đổi của âm đạo. Khi nồng độ estrogen trong máu bạn suy giảm, mô lót mặt trong âm đạo và niệu đạo (dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài) trở nên khô, mỏng và kém đàn hồi hơn. Cùng với giảm chất nhầy bôi trơn âm đạo, bạn sẽ bị cảm giác bỏng rát thường xuyên cũng như dễ bị nhiễm trùng niệu đạo và âm đạo. Những biến đổi này có thể gây khó chịu trong quan hệ tình dục và ngay cả giao hợp đau.
  • Cơn bốc hỏa (Cảm giác nóng bừng mặt). Khi nồng độ estrogen suy giảm, các mạch máu có thể bị giãn ra nhanh chóng và làm cho nhiệt độ da bạn tăng lên. Hiện tượng này có thể gây cho bạn cảm giác nóng bừng lan từ ngực lên vai, cổ và lên đầu. Mồ hôi thoát ra nhiều rồi khô đi sẽ làm da bạn mất nhiều nhiệt lượng, khiến bạn cảm thấy ớn lạnh, mệt mỏi và uể oải. Mặt bạn có thể trông giống như lúc xúc động, xuất hiện các điểm dãn mạch trên da ngực, cổ và cánh tay. Cơn bốc hỏa có thể kéo dài từ 30 giây đến 30 phút, thường gặp nhất khoảng 2-3 phút. Tần suất xảy ra cơn thay đổi tùy người, có thể mỗi giờ một cơn hoặc chỉ thỉnh thoảng mới xuất hiện. Cơn bốc hỏa có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào, cả ngày lẫn đêm, có thể trong một vài năm hoặc có khi bạn không hề có triệu chứng này.
  • Rối loạn giấc ngủ và đổ mồ hôi trộm ban đêm. Đổ mồ hôi trộm ban đêm là một triệu chứng đi kèm thường gặp của cơn bốc hỏa. Ban đêm bạn thường thức giấc, toát nhiều mồ hôi và cảm thấy ớn lạnh. Sau đó bạn khó ngủ sâu trở lại. Khoảng một phần tư các phụ nữ tuổi trung niên bị rối loạn giấc ngủ. Mất ngủ còn ảnh hưởng đến tính khí và sức khỏe chungcủa bạn.
  • Thay đổi bề ngoài. Sau mãn kinh, mỡ thường tập trung nhiều ở hông, đùi, khu trú trên vùng eo và bụng của người phụ nữ. Nếu để ý bạn sẽ thấy bộ ngực mất đi sự đầy đặn, tóc trở nên mỏng hơn và xuất hiện nhiều nếp nhăn da. Nếu lúc trẻ bạn từng bị mụn trứng cá, lúc này nó có thể trở nên nặng hơn. Mặc dù lượng hormone estrogen suy sụp nhưng cơ thể bạn vẫn tiếp tục tiết ra một số lượng nhỏ nội tiết tố nam testosterol, nên bạn có thể mọc ít lông ở cằm, môi trên, ngực và bụng.
  • Thay đổi tính khí. Bạn có thể có một số thay đổi tính khí khong thời kỳ mãn kinh, như tăng nhạy cảm hoặc dễ bị mất cân bằng trước những biến cố xúc cảm. Trước đây người ta nghĩ rằng các triệu chứng này là do sự biến đổ nội tiết tố. Các yếu tố thúc đẩy khác gồm: stress, mất ngủ và các biến cố khác trong cuộc đời ở giai đoạn này như người chồng bệnh hoặc mất, các con trưởng thành rời khỏi gia đình, hoặc nghỉ việc, về hưu,...

Nguyên nhân

Thời kỳ mãn kinh bắt đầu một cách tự nhiên khi các buồng trứng bắt đầu suy giảm tiết estrogen và progesterone. Trong độ tuổi sinh đẻ, các hormone này điều hòa chu kỳ buồng trứng và chu kỳ kinh nguyệt đều đặn. Khoảng từ 36-40 tuổi, lượng progesterone tiết ra trong cơ thể giảm mạnh, đồng thời các nang trứng còn lại của buồng trứng có khả năng thụ tinh thấp. Kết quả cuối cùng, các chu kỳ kinh của bạn sẽ chấm dứt và khả năng thụ thai cũng sẽ không còn. Quá trình này kéo dài trong nhiều năm nên thời kỳ mãn kinh thường được chia thành hai thời kỳ sau:

  • Thời kỳ tiền mãn kinh (premenopause). Đây là khoảng thời gian bạn bắt đầu có những triệu chứng mãn kinh, mặc dù bạn vẫn có thể còn rụng trứng. Nồng độ các nội tiết tố trồi sụt không ổn định, có thể có những cơn bốc hỏa và biến đổi chu kỳ kinh nguyệt, như ra máu kinh bất thường, nhiều hoặc ít hơn bình thường. Đây là một quá trình sinh lý bình thường dẫn đến mãn kinh, có thể kéo dài 4-5 năm hoặc hơn.
  • Thời kỳ hậu mãn kinh (postmenopause). 12 tháng sau chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng là bắt đầu thời kỳ này. Các buồng trứng không còn sản xuất estrogen và progesterone và chấm dứt rụng trứng.

Yếu tố nguy cơ

Mãn kinh thường là một quá trình sinh lý bình thường. Tuy nhiên một số phẫu thuật hoặc thuốc có thể gây mãn kinh sớm hơn dự kiến. Gồm:

  • Phẫu thuật cắt bỏ tử cung. Phẫu thuật cắt bỏ tử cung nhưng còn giữ lại các buồng trứng thường không gây mãn kinh. Trường hợp này hai buồng trứng vẫn tiếp tục phóng thích nang trứng mặc dù bạn không còn chu kỳ kinh nguyệt. Nhưng phẫu thuật cắt bỏ cả tử cung lẫn hai buồng trứng (Thủ thuật cắt bỏ tử cung toàn bộ và phần phụ hai bên) sẽ gây mãn kinh. Trường hợp này không có thời kỳ tiền mãn kinh. Do đó, chu kỳ kinh nguyệt sẽ chấm dứt ngay, bạn có thể bị các cơn bốc hỏa và các triệu chứng mãn kinh khác sau phẫu thuật.
  • Hoá trị và xạ trị. Các liệu pháp điều trị ung thư này có thể gây mãn kinh. Tuy nhiên thường mãn kinh này xảy ra từ từ, với thời kỳ tiền mãn kinh trong vài tháng đến vài năm trước khi mãn kinh thực sự xảy ra.

Tầm soát và chẩn đoán

Thường không cần dùng xét nghiệm để xác định mãn kinh, mà thường các dấu hiệu và triệu chứng trên đã đủ giúp hầu hết phụ nữ tự nhận biết giai đoạn này. Nếu bạn có những chu kỳ kinh nguyệt bất thường hoặc các cơn bốc hỏa quá khó chịu, nên đến thăm khám ở bác sĩ sản phụ khoa. Trong một số trường hợp nó có thể rất quan trọng để loại trừ các bệnh lý khác.

Bác sĩ có thể kiểm tra nồng độ nang kích tố FSH và estrogen (estradiol) trong máu của bạn. Nồng độ FSH tăng và estradiol giảm khi mãn kinh. Lưu ý các kết quả này sẽ bị sai lệch nếu bạn đang sử dụng viên uống ngừa thai.

Biến chứng

Sau mãn kinh, hàng loạt bệnh lý mạn tính có xu hướng xuất hiện. Bạn cần hiểu rõ những tình trạng bệnh lý sau đây để từng bước ngăn ngừa và kiểm soát chúng:

  • Bệnh tim mạch. Cùng với sự suy giảm nồng độ estrogen, nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch cũng tăng cao. Bệnh mạch vành là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở cả nam và nữ. Thực tế, tử vong do các bệnh tim mạch ở nữ cao gấp 10 lần bệnh ung thư vú. Bạn có thể làm rất nhiều việc để giảm nguy cơ bệnh tim mạch, như ngưng hút thuốc, điều trị tăng huyết áp, tập thể dục, aerobic thường xuyên, ăn kiêng có lợi cho tim mạch,...
  • Loãng xương. Trong vài năm đầu sau mãn kinh, bạn sẽ bị mất calcium trong xương với tốc độ rất nhanh và rất dễ bị loãng xương. Loãng xương làm xương trở nên giòn, yếu và dễ gãy. Các phụ nữ ở giai đoạn hậu mãn kinh có nguy cơ cao bị gãy xương chậu, xương cổ tay và cột sống. Vì vậy giai đoạn này phụ nữ rất cần bổ sung calcium – khoảng 1200mg đến 1500mg mỗi ngày – và vitamin D – 400 đến 800 đơn vị quốc tế (IU) mỗi ngày. tập thể dục thường xuyên cũng làm cho xương bạn thêm khỏe mạnh.
  • Tiểu són do stress. Do mô vùng âm đạo và niệu đạo mất độ đàn hồi, bạn có thể bị tiểu són mỗi khi ho, cười lớn hoặc đứng dậy. Triệu chứng này có thể ngày càng nặng hơn.
  • Tăng cân. Do chuyển hóa cơ thể – tốc độ sử dụng năng lượng – giảm, và nồng độ estrogen suy giảm, thể trọng cũng như vóc dáng của bạn cũng biến đổi. Bạn cần ăn ít – thấp hơn trước đây khoảng 200-400 calo mỗi ngày – và tập thể dục thường xuyên hơn, chủ yếu để duy trì cân nặng như trước đây.

Điều trị

Bản thân mãn kinh là một quá trình sinh lý nên không cần điều trị. Do vậy mục đích điều trị chủ yếu nhắm vào việc làm thuyên giảm triệu chứng và ngăn ngừa các bệnh lý mạn tính có thể xảy ra trong thời kỳ hậu mãn kinh. Gồm:

  • Liệu pháp hormone thay thế (Hormone replacement therapy: HRT). Sử dụng estrogen liều thấp kết hợp progestin khá hữu hiệu trong điều trị nhiều triệu chứng mãn kinh, như cơn bốc hỏa, khô âm đạo và khó chịu khi giao hợp. HRT có thể dưới nhiều dạng: viên nén, miếng dán, kem thoa hoạc vòng đặt âm đạo tùy theo nhu cầu của mỗi người. Đối với những phụ nữ đã phẫu thuật cắt bỏ tử cung có thể dùng liệu pháp thay thế estrogen đơn thuần (ERT), còn lại hầu hết đều được khuyên dùng dạng phối hợp giữa estrogen và progestin vì progestin giúp ngăn ngừa ung thư tử cung. Cả hai loại (estrogen đơn thuần và phối hợp với progestin) đều giảm sự mất xương và phòng ngừa loãng xương. Estrogen đơn thuần đường uống còn làm tăng nồng độ lipoprotein tỷ trọng cao (HDL) – một loại mỡ “tốt” – và giảm lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) – mỡ “xấu”. Các nhà nghiên cứu cũng đã khảo sát hiệu quả của HRT trong ngăn ngừa các bệnh như Alzheimer, thoái hóa võng mạc và ung thư đại trực tràng.

Tuy nhiên, HRT có thể làm tăng nguy cơ tạo huyết khối và các bệnh của túi mật, bệnh tim. Dùng estrogen phối hợp với medroxyprogesterone acetate trong vài năm có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú. Tất cả các loại HRT phối hợp đều có thể gây xuất huyết âm đạo bất thường, nhất là sử dụng trong năm đầu. Do vậy việc điều trị HRT kéo dài cần phải được theo dõi chặt chẽ.

  • Bisphosphonates. Các thuốc không phải nội tiết tố này để ngăn ngừa hoặc điều trị loãng xương. Cơ chế tác dụng mặc dù hoàn toàn khác với HRT, nhưng các thuốc này cũng giúp ngăn ngừa loãng xương và giảm nguy cơ gãy xương hữu hiệu.
  • Thuốc điều hòa chọn lọc thụ thể Estrogen (SERMs). SERMs là một trong số các nhóm thuốc chứa raloxifene (Evista). Chúng có một số hiệu quả như estrogen, nhất là cải thiện đậm độ xương, nhưng không làm tăng nguy cơ ung thư vú và xuất huyết âm đạo. Tuy nhiên, chúng lại có xu hướng gây ra cơn bốc hỏa, tăng nguy cơ tạo huyết khối và sỏi mật.

Lưu ý: Trước khi quyết định sử dụng bất kỳ liệu pháp điều trị nào, bạn cũng đều phải được tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa.

Tự chăm sóc

Rất may là hầu hết các triệu chứng do mãn kinh thường chỉ tạm thời. Bạn có thể thực hiện một số biện pháp ngăn ngừa và làm giảm ảnh hưởng của nó.

  • Nếu bạn bị cơn bốc hỏa, nên tập thể dục thường xuyên và cố gắng xác định những yếu tố nào khởi phát triệu chứng này. Các yếu tố khởi phát thường là ăn uống thức ăn còn quá nóng, nhiều qia vị, uống rượu, thời tiết nóng bức hoặc vào phòng quá nóng,...
  • Nếu bị khô âm đạo và khó chịu khi giao hợp, bạn có thể dùng các chất bôi trơn dạng nước bán tự do tại các nhà thuốc (Astroglide, K-Y jelly) hoặc các chất làm ẩm âm đạo (Replens, Vagisil).
  • Nếu bạn khó ngủ, tránh dùng các chất chứa caffein, nên tập thể dục nhẹ trước khi đi ngủ. Tập các cách thư giãn như thở sâu, thư giãn cơ. Có rất nhiều sách hướng dẫn về lĩnh vực này.
  • Bạn cần mặc các loại vải thoáng mát nếu thường xuyên bị đổ mồ hôi nhiều về đêm.
  • Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, nhiều rau xanh, trái cây đồng thời hạn chế lượng mỡ, dầu và đường. Đặc biệt bạn cần lưu ý lượng canxium sử dụng hàng ngày, ít nhất là 1200-1500mg. Cần tham vấn ý kiến của bác sĩ nếu bạn không sử dụng estrogen.
  • Tránh hút thuốc lá, bởi vì ngoài việc làm tăng khả năng bị cơn bốc hỏa khó chịu, thúc đẩy nhanh đến mãn kinh, nó còn làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư và rất nhiều bệnh trạng nguy hiểm khác.
  • Tập thể dục thường xuyên. Chỉ 30 phút mỗi ngày, bạn có thể giảm được nguy cơ bệnh mạch vành, đái tháo đường và loãng xương, giải stress,... Nếu có điều kiện, bạn nên kết hợp với tập aerobic, đi bộ, chạy bộ, nhảy, ... hoặc ngay cả việc đơn giản như đi bằng cầu thang bộ thay vì thang máy ở công sở, đi bộ từ chỗ giữ xe đến chỗ làm,...cũng giúp ích cho bạn.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ, theo sự hướng dẫn của các bác sĩ. Bạn cần phải biết mình nên chụp nhũ ảnh, test tế bào âm đạo và cổ tử cung, làm các test thông thường khác sau mỗi khoảng thời gian bao lâu.

Các thuốc thay thế

  • Các estrogen thảo dược. Các loại estrogen này có mặt tự nhiên trong một số loại thực phẩm. Thường gặp 2 loại: Isoflavon – trong đậu nành, đậu xanh và nhiều loại đậu khác; và lignan­ – trong dầu hạt lanh, mầm lúa và một số loại rau quả. Các chuyên gia nhận thấy nhiều phụ nữ Trung Quốc, Nhật Bản dùng nhiều estrogen thảo dược có rất ít các triệu chứng trong thời kỳ mãn kinh cũng như tấn suất thấp mắc phải các bệnh lý tim mạch, loãng xương so với các phụ nữ Aâu, Mỹ. Đậu nành, mầm lúa, trái cây và rau xanh là những thực phẩm không thể thiếu trong các chế độ dinh dưỡng hợp lý.
  • Khoai mỡ rừng, chứa một số chất có tác dụng tương tự như progesterone, thường được giới thiệu như một biện pháp tốt để điều trị các triệu chứng mãn kinh. Tuy nhiên chưa có nhiều nghiên cứu và bằng chứng khoa học về việc sử dụng này.
  • Vitamin E và dầu anh thảo đêm, giúp giảm căng đau vú và một số triệu chứng khó chịu khác.

Bạn cần được bác sĩ hướng dẫn khi dùng các loại thuốc này để tránh tương tác với các thuốc khác.

Bài liên quan

Viêm phế quản mạn tính
Viêm khớp
Viêm mũi dị ứng
Viêm gan
©2002-2024. Copyright by Sức Khỏe Cộng Đồng. Quản trị nội dung: BSCK2 Phạm Xuân Hậu.
Template by JoomShaper