Bệnh mạch vành là gì?
Bệnh mạch vành là một loại bệnh tim thường gặp nhất, hậu quả từ tình trạng xơ vữa động mạch – một sự lắng đọng từ từ tạo nên những mảng cứng trong lòng động mạch cung cấp máu để nuôi sống quả tim của bạn (động mạch vành).
Các mảng lắng đọng này (chứa mỡ, cholesterol, calcium và những chất thải của tế bào vào dòng máu), có thể gây hẹp lòng động mạch vành và giảm lưu lượng dòng máu nuôi dưỡng quả tim của bạn, có thể gây những cơn đau ngực. Sự tắc nghẽn hoàn toàn mạch vành hoặc một trong những nhánh quan trọng của nó gây ra nhồi máu cơ tim. Tại Việt Nam, hàng triệu người bị bệnh mạch vành và hàng nghìn người tử vong hàng năm do nhồi máu cơ tim.
Bệnh mạch vành tiến triển chậm chạp với nhiều triệu chứng tiềm ẩn, có khi qua hàng chục năm, khiến cho rất nhiều người không nhận ra được họ đang mắc bệnh. Nhiều khi nó tiến triển âm thầm không hề biểu hiện triệu chứng gì cho đến khi gây nhồi máu cơ tim.
Làm sao bạn có thể phát hiện được mình có bị bệnh mạch vành hay không? Các bác sĩ có thể giúp bạn trả lời câu hỏi này dựa trên các kết quả xét nghiệm và mức độ những yếu tố nguy cơ mà bạn mắc phải. Các yếu tố nguy cơ chủ yếu của bệnh mạch vành gồm:
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh tim.
- Cholesterol máu cao.
- Tăng huyết áp.
- Hút thuốc lá.
- Béo phì.
- Ít hoạt động thân thể.
Bạn có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình tiến triển bệnh mạch vành bằng cách từng bước cải thiện và nâng cao sức khỏe tim mạch của mình. Thuốc và phẫu thuật là những kỹ thuật chuyên sâu giúp sửa chữa các trở ngại hay nghẽn tắc trong động mạch vành, nhưng giải pháp lâu bền và hữu hiệu nhất vẫn là sự thay đổi các thói quen không tốt cũng như kiểm soát các yếu tố nguy cơ nhằm giúp chất lượng cuộc sống của bạn tốt hơn.
Dấu hiệu và triệu chứng
Bệnh mạch vành có triệu chứng và độ nặng rất thay đổi. Có thể hoàn toàn không có biểu hiện gì, hoặc đau ngực với nhiều mức độ khác nhau. Đôi khi đau ngực kèm thở nhanh, nông báo hiệu bị nhồi máu cơ tim.
Cũng như các loại cơ khác trong cơ thể, cơ tim của bạn cũng cần phải được cung cấp máu giàu ôxy một cách hằng định cho hoạt động của nó (bạn nên nhớ rằng cơ tim hoạt động liên tục ngay cả khi bạn ngủ). Động mạch vành của tim bạn chạy vòng quanh tim như một vòng hoa (chính vì vậy mà nó có tên là”coronary artery” - động mạch vành) và cho ra nhiều động mạch phân nhánh vào các thớ cơ tim để cấp máu cho nó.
Nếu động mạch vành của bạn bị hẹp đi hoặc bị nghẽn tắc, nó sẽ không còn đảm bảo được chức năng cung cấp máu đỏ tươi giàu ôxy cho cơ tim khi bạn nghỉ ngơi và nhất là khi cơ tim phải tăng cường hoạt động (khi bạn hoạt động nhiều, gắng sức, lạnh, ...). Tình trạng cung cấp máu cho tim như vậy người ta gọi là thiếu máu cục bộ cơ tim (TMCBCT). TMCBCT có thể gây ra:
Không hề có triệu chứng gì. Thể này gọi là thiếu máu cơ tim im lặng. Mặc dù lượng máu cung cấp cho tim hạn chế do bệnh mạch vành, nhưng bạn không hề cảm thấy đau ngực. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh động mạch vành bị hẹp đến 50% đường kính mà vẫn không gây ra triệu chứng vì chưa làm giảm đáng kể lưu lượng máu. Thiếu máu cơ tim im lặng rất thường gặp ở các bệnh nhân bị đái tháo đường cùng với bệnh tim. Trên các bệnh nhân này, tổn thương thần kinh của bệnh đái tháo đường làm cho họ giảm độ nhạy cảm với cơn đau.
Đau thắt ngực. Nếu động mạch vành của bạn cấp máu không đủ cho nhu cầu ôxy của cơ tim, cơn đau xuất hiện với tên gọi cơn đau thắt ngực. Cơn đau giống như bạn bị thắt bóp, đè nặng ngực, giống như có ai đó đứng trên ngực bạn vậy. Không chỉ đau vùng ngực, bạn còn cảm giác cơn đau lan lên vai, sau lưng và lan xuống mặt trong tay trái. Cơn đau thắt ngực thường khởi phát do stress cơ thể hay xúc cảm. Stress làm tăng nhu cầu ôxy của cơ tim (do tim phải hoạt động nhiều hơn), nhưng lòng động mạch bị hẹp làm cản trở lượng máu nuôi cơ tim. Cơn đau thường biến mất trong vòng vài phút sau khi ngưng các hoạt động hay những tình huống gây stress . Cơn đau thắt ngực cũng có thể thuyên giảm khi dùng thuốc nitroglycerine và một số thuốc tim mạch khác.
Thở nông. Rất nhiều bệnh nhân không hề biết được họ bị bệnh mạch vành cho đến khi họ bị suy tim sung huyết với các triệu chứng như mệt nhiều khi phải gắng sức nhẹ (xách nước, quét nhà, lên cầu thang,...), thở mệt, nhanh, sưng phù hai bàn chân và mắc cá chân. Suy tim sung huyết trong trường hợp này là hậu quả của sự giảm cung cấp máu nuôi tim lâu dài khiến tim ngày càng suy kiệt, nó không còn đủ sức để bơm tống máu đáp ứng cho nhu cầu của các cơ quan trong cơ thể bạn.
Nhồi máu cơ tim. NMCT xảy ra khi động mạch vành hoặc một trong những nhánh chính của nó bị tắc nghẽn hoàn toàn và vùng cơ tim được động mạch này cấp máu bị hoại tử. Nguyên nhân thường do một cục máu đông làm lấp nghẽn động mạch vành đã bị hẹp hoặc bị tổn thương sẵn. Cơn đau ngực trong NMCT thường dữ dội và kết thúc lâu hơn trong đau thắt ngực thông thường.
Bệnh động mạch vành là một bệnh đeo đuổi bạn suốt đời và thường không được phát hiện sớm, đến khi triệu chứng xuất hiện thì bệnh đã tiến triển khá lâu.
Nguyên nhân
Nguyên nhân chủ yếu của bệnh mạch vành là xơ vữa động mạch – một tiến trình chậm chạp kéo dài với sự lắng đọng từ từ của các mảng bám vào mặt trong thành động mạch, làm cho thành động mạch ngày càng dày lên, cứng lại và mất tính đàn hồi. Các mảng lắng đọng này có thành phần chủ yếu là mỡ, cholesterol, calcium và nhiều chất cặn khác trong máu của bạn.
Xơ vữa động mạch thường xảy ra ở người có nồng độ cholesterol máu cao. Tình trạng này có thể do di truyền nhưng cũng có thể sinh ra từ các thói quen sống không tốt cho sức khỏe, như chế độ ăn quá nhiều mỡ, ...Khi nồng độ cholesterol trong máu bạn cao, chúng sẽ liên tục lắng đọng lên thành động mạch. Tiến trình này khởi đầu từ khi bạn còn nhỏ, và ngày càng nhiều hơn khi bạn trở nên lớn tuổi.
Không chỉ có cholesterol, tăng huyến áp và hút thuốc lá cũng làm tăng cao nguy cơ xơ vữa động mạch và bệnh mạch vành. Những người béo phì và ít hoạt động thể lực cũng có nguy cơ cao.
Một số chuyên gia còn cho rằng một vài loại vi khuẩn, như Chlamydia pneumoniae, có lẽ đóng một vai trò nào đó trong quá trình làm hẹp lòng động mạch vành. Tuy nhiên cho đến hiện nay vấn đề này còn chưa được chứng minh rõ ràng.
Vữa xơ động mạch có thể xuất hiện không chỉ trong các động mạch vành của bạn mà còn trong những động mạch mang máu nuôi dưỡng não bộ hay tứ chi. Hẹp những động mạch cấp máu cho não làm tăng nguy cơ bị đột quỵ. Thiếu cấp máu cho đôi chân có thể gây ra triệu chứng đau khi đi bộ, gọi là chứng đi cách hồi (intermittent claudication).
Yếu tố nguy cơ
Các chuyên gia đã xác định một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ bệnh động mạch vành, phân làm hai loại: loại điều chỉnh được và loại không điều chỉnh được.
Các yếu tố nguy cơ không điều chỉnh được của bệnh động mạch vành bao gồm :
- Phái nam. Nam thường có nhiều yếu tố nguy cơ hơn nữ trong các bệnh lý tim mạch. Tuy nhiên nguy cơ bị bệnh tim của phái nữ cũng tăng lên nhiều sau mãn kinh.
- Di truyền và chủng tộc. Nếu anh chị em ruột, cha mẹ ruột hay ông bà nội ngoại của bạn bị bệnh tim, bạn cũng có nguy cơ cao bị bệnh này. Nồng độ cholesterol máu, tăng huyết áp cũng là những bệnh lý có liên quan đến yếu tố gia đình. Hơn nữa, gia đình cũng là nơi tạo ra môi trường và thói quen sinh hoạt có ảnh hưởng bất lợi như ăn quá nhiều mỡ, hút thuốc lá,...Chủng tộc người cũng là một yếu tố nguy cơ. Người da đen có nguy cơ bệnh tim mạch cao hơn người da trắng hoặc người da vàng, bệnh tim mạch của họ nếu xảy ra cũng thường nặng nề hơn. Bệnh tăng huyết áp là một bệnh rất phổ biến trong cộng đồng người da đen tại Hoa Kỳ.
- Tuổi tác. Khoảng 4 trong 5 người tử vong vì bệnh mạch vành có tuổi từ 65 trở lên. Bệnh tim mạch thường diễn tiến qua hàng chục năm, đồng thời thành các động mạch ngày càng dày và cứng hơn theo tuổi tác.
Các yếu tố nguy cơ bệnh mạch vành có thể thay đổi được chủ yếu gồm:
- Huyết áp cao. Huyết áp cao làm “xói mòn và khoét rộng” những chỗ tổn thương trên lớp lót mặt trong thành động mạch, gây lắng đọng nhiều mảng xơ vữa. Hơn nữa, tăng huyết áp làm tim phải tăng cường hoạt động để thắng lại áp lực máu cao, sẽ rất nguy hiểm cho tim nếu động mạch vành bị hẹp do xơ vữa hoặc tim không đảm đương nổi chức năng bơm do bị nhồi máu cơ tim trước đây.
- Cholesterol máu cao. Nguy cơ bệnh mạch vành của bạn sẽ tăng lên nếu nồng độ loại cholesterol “xấu” trong máu bạn cao. Kiểm soát được loại cholesterol này, bạn sẽ giảm được nguy cơ nhồi máu cơ tim.
- Thuốc lá. Khói thuốc lá gây tổn thương mạch máu, khi kết hợp với các yếu tố nguy cơ khác làm gia tăng đáng kể khả năng bị bệnh mạch vành.
- Ít hoạt động thể lực. Tập thể dục thường xuyên giúp ngăn ngừa hiệu quả các bệnh lý tim mạch. Tập thể dục còn giúp kiểm soát các yếu tố nguy cơ khác như cholesterol máu cao, béo phì và stress.
- Béo phì. Tăng cân quá mức làm tim phải tăng cường hoạt động, tăng huyết áp, tăng nồng độ cholesterol máu và tăng nguy cơ bị bệnh đái tháo đường.
- Đái tháo đường. Nồng độ đường (Glucose) trong máu tăng không kiểm soát được – tiêu chuẩn xác định bệnh đái tháo đường – làm tăng nguy cơ bệnh tim, thận và đột quỵ lên rất cao do làm tổn thương mạch máu.
- Stress. Một số chuyên gia đã cảnh báo về mối liên quan giữa bệnh mạch vành và các stress không kiểm soát trong cuộc sống của bạn.
Bệnh mạch vành hiếm khi hình thành và phát triển từ một yếu tố nguy cơ đơn độc, mà thường là hậu quả của sự cộng hợp ảnh hưởng chồng chéo của nhiều yếu tố đi chung với nhau. Một yếu tố đơn lẻ chưa đủ sức tác động, nhưng nó sẽ trở nên nguy hiểm nếu có mặt những yếu tố nguy cơ khác.
Tầm soát và chẩn đoán
Nếu bạn có nguy cơ bệnh mạch vành, bác sĩ sẽ khuyên bạn làm một số trong các test sau để chẩn đoán, ngay cả khi bạn không hề có các biểu hiện hẹp động mạch.
- Điện tâm đồ (lúc nghỉ và lúc gắng sức
- Chụp động mạch vành có cản quang
- Cộng hưởng từ hạt nhân
- Siêu âm tim
- ...
Bệnh tim mạch là một bệnh phức tạp, có thể có 2.3,...loại bệnh tim mạch xảy ra cùng lúc trên cùng một bệnh nhân.
Điều trị
Có nhiều hướng để điều trị một bệnh tim mạch, còn tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh. Nhiều bệnh nhân chỉ cần thay đổi lối sống , một số khác phải phối hợp thêm thuốc để điều trị. Những người bị bệnh động mạch vành nặng cần phải được phẫu thuật hoặc tạo hình động mạch vành. Trong mọi trường hợp, một khi bị bệnh động mạch vành, việc điều trị phải kéo dài, có khi cả đời.
Thay đổi lối sống
Mặc dù hiện nay đã có nhiều tiến bộ y học trong điều trị bệnh mạch vành, nhưng việc thay đổi lối sống với các thói quen hàng ngày vẫn luôn là một phương pháp hết sức hữu hiệu trong phòng ngừa, ngăn chặn cũng như cắt đứt quá trình tiến triển của bệnh. Những thay đổi hàng đầu mà bạn cần phải thực hiện là:
- Thay đổi chế độ ăn. Nếu bạn bị bệnh mạch vành, cần hạn chế chất béo trong chế độ ăn – nhất là các loại mỡ bão hòa – và hạn chế cholesterol, nhằm giảm nồng độ cholesterol máu – một nguyên nhân chủ yếu của xơ vữa động mạch. Giảm cholesterol còn giúp ngăn ngừa những cơn nhồi máu phát trên những người đã từng bị nhồi máu cơ tim. Ăn ít mỡ giúp bạn giảm cân nặng cơ thể. Nếu bạn bị thừa cân, việc giảm cân nặng còn giúp giảm cholesterol máu. Ăn nhiều trái cây, rau xanh và ít nhất là hai bữa ăn có cá mỗi tuần cũng có thể giúp bạn giảm được nguy cơ nhồi máu cơ tim và giảm cân trọng.
- Tập thể dục cũng có lợi cho các bệnh nhân bệnh mạch vành. Các nghiên cứu gần đây đã chứng minh tập thể dục, cho dù chỉ vừa phải, khoảng 30 phút mỗi ngày, cũng có tác dụng rất tốt và giúp giảm tử vong do bệnh mạch vành. Tuy nhiên bệnh nhân mạch vành nặng cần phải hạn chế thể dục ở một mức độ thấp. Nếu bị bệnh mạch vành, bạn cần phải được bác sĩ điều trị tư vấn cho loại hình thể sục nào là phù hợp cho mình.
- Thuốc lá là một yếu tố nguy cơ chủ yếu của bệnh mạch vành. Ngưng thuốc lá làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim rõ rệt.
Thuốc
Bên cạnh việc điều tiết lối sống cho phù hợp, nhiều trường hợp bệnh MV cần phải được phối hợp điều trị bằng thuốc. Một số giúp ngăn chặn quá trình tiến triển của bệnh, một số khác giúp cải thiện lưu lượng máu đến cơ tim. Đôi khi cần phải phối hợp nhiều thuốc. Các thuốc thường được sử dụng như:
- Nhóm thuốc hạ cholesterol máu. Cholesterol là thành phần mỡ chính yếu lắng đọng trong mảng xơ vữa, có thể làm tắc động mạch vành. Thuốc hạ cholesterol máu, còn gọi là thuốc giảm mỡ, giúp giảm các loại “mỡ xấu” , đồng thời làm tăng loại “mỡ tốt” (HDL, cũng là một loại cholesterol nhưng giúp bạn giảm nguy cơ bệnh mạch vành).
- Aspirin, giúp chống huyết khối.
- Beta-blocker (thuốc chẹn thụ thể beta), giúp giảm nhịp tim, giảm áp lực máu, giảm nhu cầu oxy cơ tim, giảm tỷ lệ tử vong do nhồi máu cơ tim,...
- Nitroglycerin, giảm nhu cầu ôxy cơ tim, giảm cơn đau thắt ngực.
- Nhóm ức chế men chyển Angiotensin (ACE inhibitors), giúp dòng máu từ tim đi ra dễ dàng hơn, giảm suy tim sung huyết.
- Các thuốc hạ huyết áp khác giúp giảm áp lực máu, dòng máu từ tim đi dễ dàng hơn, giảm mức độ làm việc của cơ tim.
Điều trị phẫu thuật
Thường dùng cho các bệnh nhân bị đau thắt ngực tái phát nhiều lần mặc dù đã được điều trị tiết chế và thuốc đúng mức, hoặc những bệnh nhân bị hẹp mạch vành nặng cho dù không có triệu chứng đau ngực. Một số loại phẫu thuật mạch vành thường dùng:
- Phẫu thuật tạo hình mạch vành
- Phẫu thuật nối tắt mạch vành
Hiện các chuyên gia đang nghiên cứu một số lĩnh vực mới trong điều trị bệnh mạch vành, gồm:
Liệu pháp gen: sử dụng gen tạo ra các protein kích thích phát triển các mạch máu mới nuôi tim, phục hồi tưới máu cơ tim.
Tái lập tuần hoàn cơ tim bằng Laser. Nhằm điều trị các trường hợp hẹp hoặc tắc mạch vành nặng mà không thể điều trị bằng phẫu thuật tạo hình hay nối tắt động mạch vành. Laser tạo ra những rãnh rất nhỏ xuyên trực tiếp qua cơ tim để đưa máu đến vùng cơ tim bị thiếu máu cục bộ mà không thông qua các động mạch vành, bằng một kỹ thuật gọi là tái phân bố mạch máu xuyên da qua cơ.
Phòng ngừa
Làm thế nào để có thể có một quả tim khỏe mạnh cùng với hệ thống mạch vành nuôi dưỡng nó thông suốt? Bạn hãy theo những bước sau đây để ngăn ngừa các bệnh lý mạch vành cũng như các cơn nhồi máu cơ tim:
- Kiểm tra sức khỏe tim mạch định kỳ, nhằm phát hiện sớm bệnh mạch vành và các yếu tố nguy cơ như huyết áp cao, cholesterol máu cao,...
- Kiểm soát huyết áp của mình, đo huyết áp ít nhất mỗi năm một lần, huyết áp tối ưu của người trưởng thành bình thường là 120/70mm Hg.
- Kiểm tra cholesterol máu nhằm phát hiện và điều chỉnh sớm các rối loạn mỡ máu.
- Không nên hút thuốc. Hút thuốc và hút thuốc thứ phát (hít phải khói thuốc lá của những người nghiện) là một yếu tố chính của bệnh mạch vành. Nicotin làm co thắt các mạch máu và buộc tim bạn phải làm việc nhiều hơn. Carbon monoxide (CO) trong khói thuốc lá làm tổn thương lớp tế bào nội mạc mạch máu. Thuốc lá còn làm tình trạng tăng cholesterol máu xấu thêm, tăng tình trạng vón cục protein và lắng đọng sợi fibrin trên các mảng xơ vữa.
- Tập thể dục thường xuyên, giúp giảm cân, tăng loại “mỡ tốt”, điều hòa huyết áp, tăng cường khả năng làm việc hiệu quả của tim,...
- Duy trì cân nặng ở mức cho phép, không để thừa cân hoặc béo phì.
- Chế độ ăn hợp lý, không quá nhiều mỡ và cholesterol, giảm muối (ăn nhiều muối nguy cơ cao tăng huyết áp). Nên ăn nhiều cá hơn, do Acid béo Omega-3 trong cá làm tăng mỡ “tốt” và ngăn ngừa huyết khối. Rau xanh và trái cây luôn là nguồn cung cấp dồi dào các vitamin và khoáng chất cần thiết, nhất là các chất chống ôxy hóa giúp bảo vệ hữu hiệu động mạch vành.
- Hãy tránh xa stress, kẻ thù của cơ thể bạn.